Boeing đối diện thiếu hụt nguồn cung đến mức máy bay chờ hoàn thiện phải đậu nhờ bãi xe nhân viên tại một nhà máy ở thành phố Everett, bang Washington (Mỹ) - Ảnh: ZUMA PRESS
Theo Hãng tin Reuters, ngày 13-9, công nhân các nhà máy Boeing dọc bờ tây nước Mỹ đồng loạt đình công, khiến việc sản xuất dòng máy bay 737 MAX của hãng này đình trệ nghiêm trọng.
Đây là cuộc đình công đầu tiên nhà sản xuất máy bay này phải đối mặt từ năm 2008. Ngọn nguồn cuộc đình công là quá trình thương thảo nâng chế độ lương thưởng giữa lãnh đạo tập đoàn và đại diện công đoàn của Boeing diễn ra không như mong muốn.
Các công nhân yêu cầu phải được tăng lương 40%. Thế nhưng ông Kelly Ortberg, người vừa nhận chức giám đốc điều hành (CEO) của Boeing cách đây vài tuần, lại đề xuất khoản tăng lương chỉ 25%.
Hàng chục ngàn công nhân Boeing đình công để phản đối cách đãi ngộ
Trước tình cảnh đó, khoảng 30.000 công đoàn viên Hiệp hội quốc tế công nhân cơ khí và hàng không vũ trụ (IAM) - công đoàn lớn nhất trong Boeing - đã tiến hành biểu quyết việc có đồng ý với đề xuất của ông Ortberg hay không và việc có muốn đình công không.
Kết quả, 94,6% công đoàn viên từ chối đề xuất tăng lương và 96% đồng ý đình công.
Ông Jon Holden - người dẫn đầu các cuộc thương thảo cho IAM - tuyên bố ngày 12-9, ngay trước khi công bố kết quả biểu quyết: "Đây là cuộc chiến đấu cho tương lai chúng ta".
Vị này cũng nhấn mạnh IAM sẽ trở lại bàn đàm phán sớm nhất có thể, song không nói rõ cuộc đình công có thể kéo dài đến bao giờ.
Ở chiều ngược lại, Boeing cũng khẳng định sẵn sàng quay lại bàn đàm phán. Điều này được đánh giá là dấu hiệu hãng này sẵn sàng thương thảo các điều khoản phù hợp của hai bên.
"Thông điệp cho thấy rõ ràng là thống nhất sơ bộ chúng tôi có được với lãnh đạo IAM không được các công đoàn viên chấp nhận. Chúng tôi vẫn sẽ một lòng hướng đến việc làm lại quan hệ giữa các nhân viên và công đoàn", đại diện Boeing phát biểu.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sớm nhận được tin báo về vụ đình công. Nhanh chóng, ngày 12-9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean Pierre cho biết đã liên hệ với cả hai bên.
"Chúng tôi sẽ khuyến khích hai bên thương thảo với thiện chí và đạt được thỏa thuận vững chắc", bà khẳng định.
Hàng không thế giới khó chồng khó
Nhân viên Boeing tại nhà máy sản xuất 737 Max ở Renton, Washington, tháng 3-2019 - Ảnh: REUTERS
Cuộc đình công tại Boeing nổ ra ngay khi tập đoàn này chật vật trước án phạt giảm năng suất sản xuất sau một loạt sự cố kỹ thuật trên máy bay của hãng này từ đầu năm.
Rộng hơn, toàn ngành hàng không thế giới cũng phải đương đầu không ít khó khăn khi thiếu hụt máy bay mới. Boeing thì phải giảm năng suất, trong khi AirBus lại chưa thoát được khó khăn về chuỗi cung ứng.
Lần gần nhất công nhân Boeing đình công là năm 2008. Cuộc đình công phá hỏng kế hoạch sản xuất của Boeing trong hai tháng và gây thiệt hại doanh thu trung bình 100 triệu USD/ngày.
Theo TD Cowen, cuộc đình công kéo dài 50 ngày khiến Boeing hao hụt 3 - 3,5 tỉ USD.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online