Chế độ nghỉ phép, nghỉ thai sản... tưởng như hiển nhiên ở nhiều nước phát triển nhưng lại là không bắt buộc theo luật cấp liên bang của Mỹ.

Theo Business Insider, Chính phủ Mỹ cung cấp những quy định bảo vệ cho người lao động ít một cách đáng ngạc nhiên, nhất là so với các nước phát triển khác. Kết quả, người Mỹ làm việc nhiều hơn người châu Âu và tỷ lệ kiệt sức cao. Lương tối thiểu của công nhân không đủ để thuê một căn hộ hai phòng ngủ.

Cùng với đó, càng nhiều người tham gia vào nền kinh tế số như tài xế Uber hay Lyft thì họ càng ít được bảo vệ hơn so với những người làm việc toàn thời gian. Sau đây là 7 lý do để cho thấy làm công ăn lương ở Mỹ là 'cực' nhất trong các nước phát triển.

Không đảm bảo nghỉ phép có lương

42 1 7 Ly Do Lam Cong An Luong O My Cuc

Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh cung cấp hơn 20 ngày nghỉ phép có lương cho người lao động. Còn Mỹ không bắt buộc các công ty phải có chế độ ngày nghỉ có lương. Kể cả 10 ngày nghỉ lễ của quốc gia, điều đó cũng không được đảm bảo, theo Bộ Lao động Mỹ.

Do đó, cứ 4 công ty tư nhân của Mỹ thì mới có 3 đơn vị cho nghỉ phép có lương. Một công nhân trung bình nhận được 10 ngày nghỉ có lương sau một năm làm việc, theo Cục Thống kê Lao động.

Ngay cả khi được nghỉ phép, người Mỹ nổi tiếng ít chịu nghỉ ngơi. Một cuộc khảo sát của Gallup cho biết 3/10 công nhân đã không đi nghỉ mát năm 2017. Một công nhân Mỹ trung bình nghỉ ít thời gian hơn so với nông dân thời trung cổ, theo nhà kinh tế Juliet Shor.

Không bắt buộc có giờ giải lao

Luật liên bang của Mỹ không yêu cầu các công ty phải có giờ nghỉ trưa hay giờ giải lao cho người lao động. Trong khi đó, Italy và Trung Quốc cho công nhân nghỉ trưa 2 tiếng.

Người Mỹ cũng ăn bữa trưa tại bàn với tỷ lệ cao hơn so với lao động các nước phát triển khác, mặc dù các nghiên cứu nói rằng nghỉ giải lao để tăng cường hợp tác nhóm và thúc đẩy sự sáng tạo.

Không bắt buộc nghỉ thai sản có lương

42 2 7 Ly Do Lam Cong An Luong O My Cuc

Mỹ là quốc gia phát triển duy nhất không đảm bảo chế độ nghỉ phép có lương cho cha mẹ vừa sinh con. Đây cũng là một trong tám nước, trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, không bắt buộc doanh nghiệp thực hiện chế độ nghỉ thai sản có lương.

Italy cho phép 21 tuần nghỉ thai sản có lương, Anh quy định là 39 tuần còn Hy Lạp quy định đến 43 tuần. Trong khi đó, Đạo luật nghỉ phép gia đình và y tế liên bang (FMLA) của Mỹ cho cha mẹ nghỉ phép 12 tuần để chăm sóc trẻ mới sinh. Tuy nhiên, luật không yêu cầu các công ty phải trả tiền cho thời gian nghỉ.

Không hướng dẫn về chế độ làm việc linh hoạt

Mỹ không có hướng dẫn nào cho các công ty về chế độ giờ làm việc linh hoạt. Có lẽ do đó, một cuộc khảo sát năm 2018 trong các nhà tuyển dụng cho thấy chỉ có 23% các công ty cung cấp các tùy chọn làm việc linh hoạt hoặc từ xa.

Trong khi đó, theo giáo sư chính sách xã hội Heejung Chung của Đại học Kent (Anh), các nước châu Âu trao cho nhân viên quyền có giờ làm việc linh hoạt hơn. Lao động ở Anh có quyền yêu cầu công việc linh hoạt, miễn là họ làm việc ít nhất 26 tuần. Hà Lan cũng cho phép nhân viên yêu cầu giờ linh hoạt.

Lương tối thiểu thấp hơn nhiều nước phát triển

42 3 7 Ly Do Lam Cong An Luong O My Cuc

Mức lương tối thiểu cấp liên bang của Mỹ là 7,25 USD mỗi giờ, chỉ bằng 34% mức lương trung bình của người lao động Mỹ, theo dữ liệu từ OECD. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước phát triển khác cao hơn. Ở Pháp, người lao động có mức lương tối thiểu bằng 62% so với mức trung bình của người lao động toàn thời gian. Ở Anh, tỷ lệ này là 54%.

Tuy nhiên, khi tính đến sức mua, Mỹ có mức lương tốt hơn một chút so với các quốc gia có chi phí sinh hoạt cao hơn, chẳng hạn như Australia hay Pháp.

Đầu năm nay, 21 tiểu bang của Mỹ đã tăng mức lương tối thiểu, một số lên tới 15 USD mỗi giờ. Một số nhà kinh tế nói rằng tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD trên toàn liên bang sẽ khiến giảm việc làm, nhưng cũng giúp nhiều người Mỹ thoát nghèo.

Không bắt buộc trả thêm tiền ca qua đêm

Mỹ không yêu cầu các công ty trả thêm tiền cho công việc ban đêm. Đổi lại, người Mỹ làm việc ca đêm và cuối tuần thường xuyên hơn người châu Âu, theo một công bố của Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia vào năm 2014.

Ở nước này, cứ 4 người thì có một người làm việc vào ca từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong khi đó ở Pháp và Hà Lan thì tỷ lệ chỉ là 1/14.

Không bắt buộc trợ cấp thôi việc

42 4 7 Ly Do Lam Cong An Luong O My Cuc

Không giống như các nước châu Âu, việc làm ở Mỹ là "theo ý muốn", có nghĩa là các công ty có thể từ bỏ công nhân của họ bất cứ lúc nào, miễn là không phân biệt đối xử. Vì mối quan hệ tự nguyện này giữa chủ lao động và nhân viên, Mỹ không bắt buộc các công ty phải trả trợ cấp thôi việc.

"Không có yêu cầu nào trong Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng (FLSA) đối với tiền trợ cấp thôi việc", trang web của Bộ Lao động Mỹ nêu rõ. "Tiền trợ cấp thôi việc là vấn đề thỏa thuận giữa chủ lao động và nhân viên (hoặc đại diện của nhân viên)", trang web nêu thêm.

Nguồn: Vnexpress.net




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC