Trại tị nạn Moria của Liên minh châu Âu (EU) ở đảo Lesbos của Hy Lạp đang trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh khi những người di cư tuyệt vọng thốt lên rằng "chúng tôi đã đi từ đi ngục này tới địa ngục khác".

Bạo lực, hãm hiếp tràn lan

Ác mộng bạo lực, hãm hiếp tràn lan trong trại tị nạn châu Âu - 0Trại tị nạn Moria được đặt trên đảo Lesbos của Hy Lạp

Theo Express, Moria là một trong những trại tị nạn lớn nhất của châu Âu với 5.000 người đang sống ở đây. Tuy nhiên, nạn hãm hiếp, bạo lực xảy ra tràn lan đang biến Moria thành một nơi xấu xí, đáng sợ và bị xem là “nỗi xấu hổ của EU”

Kể về nỗi sợ hãi ở Moria, một người tị nạn tên là Celine, 22 tuổi cho biết:

"Những gã đàn ông liên tục đến quấy rối tôi. Tôi sợ ở đây. Nó không an toàn".

Trong khi đó, người tị nạn tên là Hasna, đến từ Bắc Syria chia sẻ: "Tôi không bao giờ dám đi vệ sinh vào ban đêm. Tôi chỉ dám tắm bằng chút nước con tôi xách hộ vì sợ",.

Ở Moria, chỉ có 120 nhà vệ sinh và 75 buồng tắm dành cho 5.000 tị nạn sống ở đây và nhiều phụ nữ không dám đi tắm vì sợ bị hãm hiếp. 1/3 số người trong trại tị nạn là trẻ em, phần lớn bị nhồi nhét vào trong các lều bạt hoặc container ngột ngạt, được bao quanh bởi dây thép gai.

EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận nhập cư năm 2016 để giảm số lượng người di cư đang ùn ùn kéo tới tới Lục địa già. Tuy nhiên, mới từ đầu năm 2018 đến nay, đã có hơn 2.500 người di cư tới Hy Lạp. Nhiều người xác nhận rằng, trại tị nạn Moria có điều kiện sống tồi tệ hơn những trại họ từng sống. 

"Chúng tôi đã đi từ địa ngục này tới địa ngục khác. Họ dồn chúng tôi sống cùng 17 người khác trong một container", anh Mohammed, 32 tuổi đến từ Yarmouk gần Damascus chia sẻ.

 "Các nhóm tị nạn khác nhau liên tục đánh nhau, đàn ông thì rượu chè say xỉn suốt ngày dù xung quanh họ toàn là trẻ em. Đây là một nơi quá tệ", anh Abdulrahman, 28 tuổi nhấn mạnh.

Không dám tố giác

Ác mộng bạo lực, hãm hiếp tràn lan trong trại tị nạn châu Âu - 1Điều kiện sống tồi tệ ở Moria được duy trì được cho là nhằm ngăn người tị nạn đổ tới đây.

Médecins sans Frontières, một tổ chức từ thiện đang điều hành một phòng khám ở bên ngoài Moria để phản đối các điều kiện sống bên trong trại tị nạn này cho biết, họ đã tiếp nhận chữa trị cho không ít phụ nữ là nạn nhân của các vụ hãm hiếp, bạo lực tình dục.

Tuy nhiên, hầu hết các vụ tấn công không được báo cáo với các nhân viên cứu trợ. Một phụ nữ Syria cho biết, nếu bị hãm hiếp, cô cũng không dám nói với bác sĩ phụ khoa.

Lý do là, các quan chức nghi ngờ phụ nữ trong trại tố cáo sai sự thật để nhanh chóng được quyền tị nạn.

Ông Dimitri Vafeas, Phó Giám đốc của Moria cho biết:

"Nhiều phụ nữ đến và nói rằng: Tôi bị tấn công hoặc họ cưỡng hiếp tôi. Nhưng lý do đằng sau là gì? Nhiều phụ nữ sau đó thú nhận tố cáo để nhận được sự bảo vệ".  

Ông Vafeas cũng tuyên bố rằng, nếu người tị nạn không thích điều kiện sống ở Moria, họ được tự do sống ở bất cứ nơi nào khác trên đảo.

Trong khi đó, Luca Fontana, một điều phối viên của tổ chức Médecins sans Frontières tiết lộ rằng, điều kiện sống tồi tệ ở Moria được duy trì là để ngăn người di cư tiếp tục đổ xô tới Hy Lạp.

"Ủy ban châu Âu đã nói với chúng tôi điều đó trong các cuộc họp song phương", ông Fontana chia sẻ và nói thêm rằng, trẻ em trong trại tị nạn Moria phải sống trong điều kiện mất vệ sinh nghiêm trọng và liên tục nhiễm các đợt dịch tiêu chảy, ghẻ, nhiễm ký sinh trùng..

Về phần mình, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu đã bác bỏ các cáo buộc duy trì điều kiện sống tồi tệ ở Moria để ngăn người di cư tới Hy Lạp và khẳng định, Ủy ban đang làm mọi thứ có thể để cải thiện tình hình cho người di cư.

 

Nguồn: Dân Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC