Anh và Pháp cho chiến hạm đi qua Biển Đông nhằm bày tỏ sự thách thức đối với việc Trung Quốc bành trướng hiện diện quân sự tại vùng biển tranh chấp này.

Bộ trưởng Quốc Phòng Anh và Pháp, hai nước hội viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tuyên bố như vậy hôm Chủ Nhật, 3 Tháng Sáu, tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore.

Loan báo này là phản ánh sự ủng hộ Mỹ vể kế hoạch đẩy mạnh chiến dịch tự do hải hành, phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tranh chấp hải đảo với các quốc gia trong khu vực.

Bộ Trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly cho biết một hải đội Pháp cùng các máy bay trực thăng và chiến hạm Anh sẽ ghé thăm Singapore tuần tới và “đi vào một vài khu vực” trong Biển Đông.

Bà Parly không nhắc tới tên Trung Quốc, nói rằng các chiến hạm sẽ đi qua vùng biển quốc tế mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Anh và Pháp đưa chiến hạm vào Biển Đông, thách thức Trung Quốc - 0Hộ tống hạm FS Surcouf (F-711) của Pháp vào cảng Sài Gòn hôm 1 tháng 6 trong chuyến ghé thăm Việt Nam. (Hình: Getty Images)

Theo bà: “Tới một lúc trong máy liên lạc vô tuyến sẽ có giọng nói nghiêm trọng yêu cầu chúng tôi rời khỏi khu vực được coi là lãnh hải của họ. Nhưng chỉ huy trưởng của chúng tôi sẽ bình thản trả lời là sẽ tiếp tục đi vì theo luật pháp đấy là hải phận quốc tế.”

Bà Bộ Trưởng Parly nói rằng Pháp không phải là một nước có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng bằng cách tiến hành những cuộc diễn tập thường xuyên như thế sẽ đóng góp vào việc ổn định trật tự theo luật lệ.

Bà Parly lập luận: “Thực hiện tự do hải hành, chúng tôi cũng xác định lập trường kiên quyết chống đối sự thành lập và tuyên bố chủ quyền thực tế trên các đảo.”

Thay vì chấp nhận sự đã rồi đó, bà Parly cho biết nước Pháp sẽ đặt vấn đề là người ta có quyền làm như thế hay không.

Bộ Trưởng Quân Lực Pháp Florence tin rằng nỗ lực này sẽ được phát triển rộng lớn hơn bằng sự vận dụng hỗ trợ của Âu Châu. Bà cho biết trên các chiến hạm đã có các quan sát viên người Đức.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép  trên 90% diện tích Biển Đông, chổng lấp lên lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia khác và gần đây đã lập căn cứ quân sự trên một số đảo nhân tạo mới được bồi đắp.

 

Nguồn: HC

Nguoi-viet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC