Bài viết dưới đây là chia sẻ của Curry Glassell, vốn là con gái ông trùm dầu mỏ Mỹ Alfred Glassell Jr, về quá trình từ cô tiểu thư được bao bọc, chỉ biết dựa dẫm tài chính vào đàn ông tới bước phải một mình vừa nuôi con vừa trả nợ và làm giàu. Bà hiện là nhà sản xuất phim, tác giả sách, diễn giả, chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân:
Tiền bạc có thể tạo ra nhiều cơ hội tuyệt vời cho bạn nhưng cũng có khi khiến bạn phải trả giá rất đắt để có được bài học về nó.
Cha tôi đã tạo được một gia tài khổng lồ. Tôi chứng kiến ông từng bước gây dựng sự nghiệp và trở thành một trong những người giàu nhất nước Mỹ. Cha tôi thực sự là một người phi thường trong việc kiếm tiền và ông cũng rất sành tiêu. Ông sưu tầm những đồ quý hiếm, có hai tủ quần áo đồ sộ với những bộ đồ lịch lãm. Ông không bao giờ nhịn mua những thứ mình muốn.
Không được thừa kế nhiều tài sản từ người cha tỷ phú, lại vướng nhiều nợ nần sau ly hôn, Curry Glassell có cơ hội để học cách tự lập về tài chính. Ảnh: Entrepreneur.
Từ sự khôn ngoan, dư giả, và cũng cực kỳ bảo thủ của cha mình, ngay từ sớm, tôi đã thấm vào đầu khái niệm về tiền bạc trong gia đình là: Chồng sẽ trả các hóa đơn, chồng có trách nhiệm về tài chính. Chồng chăm lo cho vợ, con và có thể làm bất cứ điều gì anh ta muốn.
Thông điệp thường xuyên tôi nhận được là: “Con đường để một người phụ nữ trở nên quyền lực là cưới người đàn ông giàu có. Hãy đi tìm người đàn ông đó, làm đám cưới và anh ta sẽ chăm lo cho bạn, đưa tiền cho bạn”. Quan niệm đó đã khiến tôi phải ân hận về sau này.
Tôi dựa dẫm vào sự giàu có của cha cho tới giữa tuổi 30. Tôi vô cùng hoảng sợ khi nghĩ cuộc sống sẽ thế nào nếu thiếu tiền. Tôi “cố thủ” ở trường đại học để tiếp tục nhận được trợ cấp. Khi tôi tiêu hết tiền được cho, cha tôi nói: “Nếu con vẫn tiếp tục tiêu tiền kiểu đó, có ngày con sẽ phải tay bị tay gậy trên đường đó”. Tôi không hiểu lắm ý cha. Tôi chỉ tiêu tiền vào những thứ thiết thực – thuê nhà, mua đồ ăn, xe hơi. Tôi đâu làm gì quá đáng?
Mặc dù luôn có tiền nhưng tôi hoàn toàn chẳng có chút quyền lực gì về tài chính, kể cả khi rời khỏi vòng tay cha.
Khi kết hôn, tôi chỉ nghĩ là vì tình yêu. Chồng tôi là sự đối lập với tất cả những nam giới tôi từng gặp. Anh ấy dường như muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, luôn muốn chia sẻ sự tử tế và tình yêu. Tôi tưởng như mình đã tìm thấy một cuộc đời mới và hạnh phúc thực sự.
Khi chúng tôi lấy nhau, tôi thực hiện theo mọi thứ mình đã được dạy. Tôi có một khoản tiền dành dụm nhỏ và tất nhiên tôi để chồng quản lý hết. Tôi để anh ấy gánh vác việc trả các hóa đơn và tôi không hỏi han gì về mọi việc anh ấy làm. Vấn đề là chúng tôi sống hơi vung tay quá trán. Hai vợ chồng thường xuyên đi chơi, mua những ngôi nhà lớn và các đồ vật đắt tiền, rồi sau đó bán rẻ, chẳng bao giờ nghĩ tới tương lai.
Hạnh phúc không kéo dài lâu. Khi chúng tôi ly hôn, tòa quyết định tôi sẽ được quyền nuôi các con miễn là gánh hết các khoản nợ. Tôi đồng ý vì không thể tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ thế nào nếu thiếu hai con trai, lúc đó một đứa 4 tuổi, một 3 tháng. Nhưng vì sự thiếu hiểu biết, tôi cũng không hình dung nổi khoản nợ đó lên tới 2 triệu đôla. Vậy là ly hôn xong tôi là bà mẹ có hai con nhỏ với 2 triệu đôla phải trả cho các chủ nợ và chẳng biết phải bắt đầu từ đâu.
Gia đình tôi từ chối giúp đỡ, vì thế tôi không còn lựa chọn nào khác là bắt đầu học và tự chủ cuộc đời mình. Quá trình đó đã rèn cho tôi sự can đảm, kiên định nhưng cũng gây cho tôi không biết bao nhiêu tổn thương. Tôi nói chuyện với các chủ nợ và cùng họ đưa ra kế hoạch trả nợ. Tôi gọi cho từng người. Tôi bán mọi thứ có thể, từ piano tới du thuyền và trả nợ nhiều nhất, sớm nhất trong khả năng. Tôi chuyển tới ở một căn nhà nhỏ – nhỏ nhất trong đời mình.
Tôi bắt đầu nhìn lại xem mình cần ưu tiên tiền cho việc gì trước (lúc đó là việc học của con, mua quần áo, thức ăn cho con). Cứ một năm hai lần vào dịp khuyến mại thu, hè, tôi lại mua đồ đủ mặc cho hai con. Bản thân tôi đã có quá nhiều trang phục nên tôi hạn chế mua cho mình.
Tôi đã trải qua 4 năm cực kỳ khó khăn, thực sự là “giật gấu vá vai”. Nhưng tôi bắt đầu thấy được sức mạnh bên trong mình. Tôi thấy mọi người sẵn sàng hợp tác với tôi. Tôi phát hiện ra mình có khả năng đàm phán tốt. Và tôi bắt đầu học, nghiên cứu, đặt câu hỏi rồi chú tâm tới từng quyết định tài chính đã ảnh hưởng tới cuộc đời mình.
Các khóa tài chính đã khiến tôi thực sự mở mắt và lúc này tôi mới hiểu câu nói trước kia của cha mình. Tôi áp dụng triệt để nguyên tắc là luôn tiết kiệm 10% tất cả các khoản thu nhập, dù khi kiếm được 100 hay 1.000 đôla hoặc hơn. Số tiền kiếm được ngày càng lớn thì trong tôi càng thôi thúc muốn giúp đỡ những người khác cũng được “mở mắt” như mình. Sách và các khóa chia sẻ về kinh nghiệm trả nợ, làm giàu ra đời từ đó.
Chia sẻ với Bodyandsoul, Curry Glassell cho rằng, có 3 dấu hiệu cho thấy bạn yếu thế về tài chính:
1. Bạn chưa bao giờ quan tâm tới các món mua sắm hay đầu tư.
2. Bạn không biết mình có bao nhiêu, nợ ngần nào và tiết kiệm được ra sao.
3. Bạn thường xuyên trở thành con mồi cho việc mua sắm bốc đồng.
Bà cho rằng, muốn làm chủ được tài chính của bản thân, cần thực hiện 3 bước:
– Trao dồi kiến thức: Ngày nay, mạng cung cấp nhiều cơ hội học trực tuyến miễn phí về tài chính cho mọi người. Khi có kiến thức, bạn sẽ dễ dàng biết cách để tiền có thể phục vụ bản thân thay vì chạy theo nó.
– Can đảm: Cần có đủ can đảm để vững vàng khi gặp phải khó khăn và biết nói “không” với những người, những thứ có thể gây hại cho tài chính, tương lai của mình.
– Ngừng mua sắm bốc đồng bằng cách áp dụng 3 bước đơn giản này: Tự hỏi “Liệu mình có thể sống thiếu món đồ này được không”. Câu trả lời thường là “có”. Nếu vậy, hãy nhận ra việc mua nó hay không là một lựa chọn. Tiếp theo, lại hỏi mình “Đây có phải là thời điểm thích hợp để mua nó?”. Cách này sẽ giúp bạn tự chủ với tiền bạc của mình và tránh mua sắm theo hứng.
Nguồn: Vương Linh
VnExpress