Trên đây là nhận định của nhà kinh tế độc lập Trung Quốc Ye Tan. “Đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ vẫn tiếp tục nhưng căng thẳng hơn và có nguy cơ cao hơn” - ông Ye Tan nói với AFP.
Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó Chủ tịch hội đồng quản trị và là con gái của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vạn Châu bị bắt ở Canada và đối mặt nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ - động thái khiến Bắc Kinh giận dữ chỉ vài ngày sau thoả thuận đình chiến thương mại với Washington.
Bộ Tư pháp Canada xác nhận bà Mạnh bị bắt ở Vancouver hôm 1.12, vào đúng ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí đình chiến thương mại trong 90 ngày.
Ngày 6.12, Trung Quốc phản ứng giận dữ trước việc bà Mạnh bị bắt. “Chúng tôi kịch liệt phản đối Canada và Mỹ, yêu cầu hai bên lập tức làm rõ lý do bắt giữ và lập tức trả tự do cho bà Mạnh để bảo vệ quyền pháp lý của người này” - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Cảnh Sảng cho biết, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ thực thi thoả thuận đình chiến thương mại đạt được trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump “nhằm tăng cường tham vấn và làm việc hướng tới một thoả thuận có lợi cho cả hai bên trong thời gian sớm nhất”.
Huawei từ lâu đã bị giới tình báo Mỹ coi là một mối đe doạ an ninh quốc gia. “Trung Quốc đang làm việc một cách sáng tạo để làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia của chúng tôi. Mỹ và đồng minh không thể ngồi bên lề” - AFP dẫn lời thượng nghị sĩ Mỹ Ben Sasse giải thích vụ bắt giữ.
Tin tức về vụ bắt bà Mạnh Vạn Châu ngay lập tức tác động đến các thị trường chứng khoán Châu Á, đặc biệt ở Thượng Hải và Hong Kong, nơi các hãng công nghệ chịu thiệt hại lớn nhất. Đến trưa 6.12, chỉ số chứng khoán Thượng Hải giảm 1,3%, còn chỉ số chứng khoán Hong Kong giảm 2,6%.
Trong khi đó, tập đoàn Huawei cho biết họ không biết về bất cứ hành vi sai trái nào của bà Mạnh và cũng được cung cấp rất ít thông tin về các cáo buộc. Tập đoàn khẳng định tuân thủ mọi quy định và luật pháp, bao gồm luật xuất khẩu và trừng phạt hiện hành của Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU.
Hồi tháng Tư, tờ Wall Street Journal cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra Huawei từ năm 2016 vì các cáo buộc vận chuyển sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ sang Iran, vi phạm luật xuất khẩu và trừng phạt của Mỹ. Còn theo tờ The New York Times, Huawei đã bị Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ ra trát hầu toà vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran và Triều Tiên.
Huawei là một trong những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Bất chấp sự thành công trên toàn cầu, hoạt động của Huawei ở Mỹ bị ràng buộc chặt chẽ bởi những lo ngại có thể làm suy yếu các đối thủ Mỹ, và điện thoại di động và thiết bị mạng của Huawei - được sử dụng rộng rãi ở các nước khác - có thể là công cụ gián điệp của Bắc Kinh.
Hồi tháng 5, Lầu Năm Góc cho biết các thiết bị của Huawei đặt ra nguy cơ bảo mật “không thể chấp nhận”. Nhân viên các căn cứ quân sự Mỹ bị cấm mua thiết bị của nhà sản xuất Trung Quốc này.
Nguồn: Lao động