Washington đã tính toán kỹ
Vụ bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Sabrina Meng Wanzhou của Huawei sẽ khiến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc thêm bất ổn, và Washington có thể sử dụng vụ việc này để nhằm tạo thêm áp lực cho Bắc Kinh, các nhà nghiên cứu cho hay.
Meng, cũng là con gái của nhà sáng lập tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei, đã bị giới chức Canada tạm giữ theo yêu cầu của chính phủ Mỹ hôm thứ Bảy tuần trước.
Chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố nhưng truyền thông đưa tin, cô Meng bị bắt giữ vì nỗ lực vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, dẫn nguồn tin ẩn danh.
Vụ bắt giữ trùng với thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra tại Argentina và đưa ra một lệnh “hòa hoãn” kéo dài 90 ngày để tiếp tục đàm phán.
Nếu không đi đến một thỏa thuận nào sau thời gian đó, Mỹ sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Liu Weidong, nhà nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung cho rằng, vụ bắt giữ này được Washington tính toán kỹ để giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
“Chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều trường hợp tương tự trong 3 tháng tới, lệnh trừng phạt với các công ty và cá nhân Trung Quốc, để cán cân nghiêng về phía Mỹ”, ông Liu nói.
Wang Heng, GS Luật kinh tế tại Đại học New South Wales, Australia cho rằng, Mỹ có thể sử dụng trường hợp này để gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong các cuộc đàm phán thương mại.
Eric Harwit, GS về nghiên cứu châu Á tại Đại học Hawaii cho rằng, vụ bắt giữ không chỉ liên quan đến việc vi phạm lệnh từng phạt mà còn thể hiện bức tranh lớn hơn về sự lo lắng rằng các công ty công nghệ Trung Quốc đang trở thành đối thủ của Mỹ trong tương lai.
Bắc Kinh bẽ bàng
Cùng với đó, Mỹ, Australia và New Zealand đã chặn sử dụng các thiết bị của công ty này trong việc xây dựng mạng di động 5G.
Liên kết mật thiết giữa Huawei và chính phủ đã dấy lên lo ngại, Bắc Kinh có thể tiếp cận mạng lưới các nước này, cho phép thu thập các thông tin tình báo, mặc dù Huawei liên tục lên tiếng phản đối.
Trong khi Bắc Kinh và Washington nhất trí tạm ngưng cuộc chiến thuế quan, 2 nước vẫn bất đồng sâu sắc về một loạt các vấn đề khác, như vấn đề Biển Đông.
Hôm thứ Tư, việc lựa chọn người đại diện có dự tang lễ Tổng thống Mỹ George H.W. Bush của Bắc Kinh đã thể hiện những căng thẳng này. Trung Quốc đã cử Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đến lễ tang thay vì cử một đặc phái viên của Chủ tịch như nước này từng làm trước đây với các cựu Tổng thống Mỹ trong quá khứ.
Trong trường hợp vụ bắt giữ nữ CFO của Huawei, thời điểm và chi tiết vụ việc đã cho thấy động thái này mang tính chính trị, theo Sun Yun, Giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Stimson của Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ cũng thường cáo buộc các cá nhân Trung Quốc với các án phạt tương tự, nhưng rất ngần ngại tiến hành các hành động cứng rắn như bắt giữ ở một nước thứ 3.
Vụ bắt giữ CFO của Huawei thục sự là một vụ bẽ mặt chính trị đối với ông Tập Cận Bình. Đây cần xem là một hành động leo thang, ông Christopher Balding, Đại học Fulbright Việt Nam nhận định.
Nguồn: Thời đại