Cử tri Nga không gửi niềm tin-trao quyền lực phe đối lập vì họ chỉ là những người bất đồng chính kiến chứ không phải là những nhà lãnh đạo tiềm năng...

Bầu cử Tổng thống Nga: Phe đối lập không có cửa thắng - 0

Tổng thống Putin vẫn là trung tâm đoàn kết của xã hội Nga.

The Moscow Times ngày 26/2 bình luận rằng chỉ còn 3 tuần nữa là tới ngày bầu cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 7 thời hậu Xô Viết, song không thể nhận diện một chiến lược khả thi nào của phe đối lập, đồng nghĩa họ đã thất bại trước ứng cử viên Putin.

Dù chiến thắng của ông Putin đã được dự báo, nhưng dư luận vẫn kỳ vọng phe đối lập Nga sẽ làm được điều gì mới mẻ cho đời sống chính trị Nga và đó cũng được xem như sự chuẩn bị cho chặng đua tiếp theo của họ, song điều đó đã không xảy ra.

Tại sao phe đối lập Nga lại tỏ ra yếu thế như vậy? Theo truyền thông phương Tây thì đó là hậu quả của việc Kremlin triệt tiêu đối lập, tuy nhiên điều này chưa thể khẳng định và cũng không được nhìn nhận là lý do chính trong bối cảnh nền chính trị Nga hiện nay.

Ngược lại, có thể khẳng định ngay rằng phe đối lập Nga đã thất bại bởi chính họ, nghĩa là phe đối lập tại Nga đã tự làm yếu mình và dâng chiến thắng cho đối thủ. Tại sao lại nhận định như vậy?

Phe đối lập Nga kỳ vọng chiến thắng bằng ăn mày dĩ vãng

The Moscow Times đưa tin, ngày 25/2, đại diện các lực lượng chính trị đối nghịch với Tổng thống Putin đã tụ họp trong nhiều giờ đồng hồ để tưởng niệm nhà chính trị đối lập Nga, cố Phó Thủ tướng Nga Boris Nemtsov.

"Cuộc diễu hành là biểu tượng quan trọng đối với toàn bộ phe dân chủ. Dù chúng ta có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng ngày này hàng năm đã trở thành sự kiện chính trị quan trọng", ông Ilya Yashin, một trong những nhà tổ chức diễu hành cho biết.

Cũng nên nhắc lại là ba năm trước, vào ngày 27/2/2015, phong trào đối lập Nga đã mất một trong những nhà lãnh đạo được ca ngợi nhất, khi cựu Phó Thủ tướng Boris Nemtsov bị bắn chết trên cầu Bolshoi Moskvoretsky, cách Kremlin vài bước chân.

Cái chết của một trong những người chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Putin đã bị nghi ngờ là kết quả của hành động ám sát chính trị mà giới lãnh đạo Chechnya thực theo kế hoạch của điện Kremlin.

Từ đó, hàng năm cứ vào ngày này, các lực lượng bất đồng chính kiến Nga lại tổ chức tưởng niệm nhà chính trị đối lập, rồi từ đó khai thác hiệu ứng từ quan điểm và cả từ cái chết của ông để phục vụ cho những mưu đồ chính trị của mình.

Vì vậy, dù vụ án Nemtsov được đưa ra xét xử nhưng những người bất đồng chính kiến đã chỉ trích phiên toà xét xử những kẻ phạm tội "sặc mùi chính trị". Điều đó  cũng hết sức bình thường, bởi ông Nemtsov là chính trị gia đối lập.

Tuy nhiên, việc phe đối lập khai thác hình ảnh của vị Phó Thủ tướng quá cố phục vụ cho lợi ích chính trị của mình thì đó lại là sai lầm mang tính chiến lược và tác động trái chiều từ hành động này khiến cho họ mất nhiều hơn được.

 Bầu cử Tổng thống Nga: Phe đối lập không có cửa thắng - 1

Ăn mày dĩ vãng từ ánh hào quang của Boris Nemtsov là sai lầm chiến lược của phe đối lập Nga.

Bởi lẽ ngay khi còn sống, dù rất nổi tiếng, nhưng ông Nemtsov cũng như phong trào chính trị của mình vẫn không thể tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trên chính trường Nga cũng như trong đời sống chính trị tại xứ sở bạch dương.

Còn nhớ năm 1999, ông Boris Nemtsov cùng với những chính trị gia trẻ tuổi theo xu hướng cải cách của những năm 1990, như Anatoly Chubais.. đã thành lập Liên minh các Lực lượng Hữu (SPS) với kỳ vọng tạo hiệu ứng mới cho đời sống chính trị Nga.

Tuy nhiên, SPS đã không thể tạo ra một làn gió mới trên chính trường Nga, bởi nếu như năm 1999, SPS bước vào Duma Quốc gia là đảng lớn thứ tư với 29 ghế thì năm 2003 chỉ còn 3 ghế, năm 2007 thì không có ghế nào và năm 2008 thì SPS tan rã.

Như vậy, hiệu ứng từ hình ảnh ông Nemtsov và cái chết của ông phần nhiều do phe đối lập huyễn hoặc và những thế lực đối nghịch với nước Nga tô vẽ theo hướng phục vụ cho lợi ích chính trị của họ, chứ không hẳn là ánh hào quang từ người quá cố.

Phe đối lập Nga có những chuyển động chính trị thiếu thuyết phục

Ông Gleb Pavlovsky, một chuyên gia phân tích chính trị của Nga cho rằng vấn đề của phe đối lập Nga chính là mất định hướng chính trị, từ đó khiến cho họ không có một chiến lược rõ ràng trong quá trình tiếp cận quyền lực.

Theo ông Pavlovsky, việc phát động những cuộc biểu tình, đại biểu tình tương tự như đã xảy ra trong những năm 2011 và năm 2012 đã không còn phù hợp. Đây là một hướng chuyển động chính trị không chuẩn xác.

Bởi lẽ "chỉ cần chống lại kế hoạch của chính quyền Moscow trong việc phá huỷ các căn hộ Khrushchevki cũ kỹ và mất an toàn vào mùa hè năm 2017 đã thu hút hàng ngàn người biểu tình một cách tự phát".

Bà Valentina Popova, một người về hưu cho biết đã phản đối chế độ của ông Putin kể từ khi tỷ phú Mikhail Khodorkovsky bị kết án tù năm 2005 và bà vẫn sẽ tiếp tục, song bà cho rằng phe đối lập Nga thất bại vì không tạo ra một mặt trận thống nhất.

 Bầu cử Tổng thống Nga: Phe đối lập không có cửa thắng - 2

Nước Nga không thể có cách mạng quyền lực từ đường phố.

Trong khi đó đảng Yabloko đối lập trong một tuyên bố trực tuyến được đưa ra ngày 26/2 đã cảnh báo chính quyền Nga về một loạt các cuộc tấn công vào những nhà hoạt động chính trị và hoạt động dân sự tại St. Petersburg trong tháng 1/2018.

Từ cái cái chết của nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Konstantin Sinitsyn đến đánh đập nhà hoạt động nhân quyền Dinar Idrisov, bắt cóc và tra tấn các nhà hoạt động đối lập Viktor Filinkov, Igor Shishkin và Ilya Kapustin.

"Theo quan điểm của Yabloko, những gì xảy ra như là sự đàn áp chính trị nhằm ngăn chặn các hoạt động chính trị và dân sự. Đây là một nỗ lực để đe dọa các nhà hoạt động đối lập trước cuộc bầu cử Tổng thống Nga".

Trong khi đó nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny - người được coi đó là nhân vật chính trị đối lập duy nhất hiện nay ở Nga - thì kêu gọi tẩy chay cuộc bỏ phiếu ngày 18/3, sau khi ông bị cấm tranh cử mà ông cho là do động cơ chính trị của Kremlin.

Như vậy, kể từ khi Tổng thống Putin bước vào nhiệm kỳ 3 đến nay, dù khác nhau về cách thức, nhưng phe đối lập vẫn chỉ chọn một phương pháp tiếp cận quyền lực là chống lại thực thể đại diện quyền lực mà lý do là ước vọng chưa được thoả mãn.

Giới phân tích cho rằng đây là chuyển động chính trị mang tính tự sát đối với phe đối lập, nó không những không làm lay chuyển, mà ngược lại còn giúp gia cố nền tảng quyền lực của Tổng thống Putin và lực lượng chính trị đương quyền.

Thứ nhất, phương pháp tiếp cận quyền lực của phe đối lập thực chất là cuộc đấu tranh giành quyền lực mà trong cuộc chiến này thì phe đối lập gặp quá nhiều bất lợi, và nó không giúp cho cử tri Nga tin tưởng trao quyền lực cho họ.

 Bầu cử Tổng thống Nga: Phe đối lập không có cửa thắng - 3

Hậu quả từ làn gió Cải tổ và Công khai đã khiến người dân Nga cảnh tỉnh.

Người dân Nga đã phải trả giá rất đắt cho dân chủ - nhân quyền của phương Tây khi được du nhập vào Liên Xô trước đây qua làn gió của Cải tổ và Công khai, vào nước Nga trong những năm đầu tiên thời hậu Xô Viết trong chương trình Cải cách.

Cải tổ, Công khai hay Cải cách đã khiến đất nước Nga phụ thuộc nước ngoài nhiều hơn, của cải xã hội Nga làm giàu cho người ngoài nhiều hơn và hậu quả là ông Putin phải đón nhận một nước Nga khó khăn vì nợ nần và bất ổn vì tội phạm có tổ chức.

Do vậy, những gì mà phe đối lạp Nga đấu tranh chỉ là những vết nứt chưa liền hay những lệch pha đang trong quá trình hiệu chỉnh, chứ không phải là những khoảng trồng của quyền lực dành cho họ.

Thứ hai, phương pháp tiếp cận quyền lực của phe đối lập khiến cho họ tự hạ thấp mình, làm giảm công lực của mình, khi những nhà chính trị đối lập tự biến mình thành những người bất đồng chính kiến.

Phải khẳng định rằng, khi nước Nga bị cấm vận của phương Tây là cơ hội "ngàn năm có một" cho phe đối lập Nga có thể tạo ra những hiệu ứng tích cực trong quá trình tiếp cận quyền lực, nếu họ thể hiện được bản lĩnh của lực lượng lãnh đạo.

Rất tiếc, phe đối lập Nga không thay đổi phương pháp tiếp cận quyền lực để có thể khai thác cơ hội, trong khi Tổng thống Putin và lực lượng chính trị đương quyền lại xem trừng phạt của phương Tây là sự khảo sát khả năng quản lý đất nước tuyệt vời.

Chính vì vậy, nhà lãnh đạo Nga đương thời và các cộng sự đã nhanh chóng tìm ra hướng đi tích cực, đưa nước Nga vượt cấm vận trong khi không thoát được cấm vận và giúp nước Nga chiếm lĩnh ngày càng nhiều mặt bằng sân khấu chính trị thế giới.

 Bầu cử Tổng thống Nga: Phe đối lập không có cửa thắng - 4

Tấn công vào thiết chế quyền lực khiến những chính trị gia đối lập chỉ còn là những người bất đồng chính kiến chứ không phải là những nhà lãnh đạo tiềm năng.

Trong khi đó phe đối lập vẫn chọn tấn công vào thiết chế quyền lực, khiến cử tri Nga không thể gửi niềm tin - trao quyền lực cho họ. Bởi với cử tri Nga thì những chính trị gia đối lập chỉ là những người bất đồng chính kiến chứ không phải là những nhà lãnh đạo tiềm năng.

Có thể khẳng định rằng, dù chưa diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga, nhưng phe đối lập Nga đã thất bại. Thất bại của phe đối không phải ở số phiếu mà các các ứng cử viên của họ giành được, mà nó nằm ở chỗ họ tự đánh mất cơ hội có thể tiếp cận quyền lực một cách tốt nhất.

Ngọc Việt

Nguồn: baodatviet.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC