Ngày 2/2, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino tuyên bố rút khỏi sáng kiến "“Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Theo Bloomberg, ông Mulino đã công bố quyết định này tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vào hôm 2/2, giờ địa phương.
Panama là quốc gia Mỹ Latinh đầu tiên ký Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Cựu Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã đến thăm Bắc Kinh vào tháng 11/2017 và ký kết Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Theo các điều khoản của biên bản ghi nhớ, Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ tự động gia hạn theo từng giai đoạn 3 năm trừ khi một trong hai bên tuyên bố chấm dứt.
Chính quyền Tổng thống Trump liên tục gây sức ép
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây liên tục cáo buộc chính phủ Panama giao quyền điều hành Kênh đào Panama cho Trung Quốc. Trong cuộc gặp với ông Mulino, Ngoại trưởng Rubio cũng nói rõ rằng tình trạng hiện tại là không thể chấp nhận được và nếu chính phủ Panama không thực hiện bất kỳ thay đổi nào, Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền của mình theo Hiệp ước Kênh đào Panama.
Tổng thống Mulino (trái) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 2/2. Ảnh: AFP.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Panama Jose Raul Mulino hôm 2/2, ông Rubio đã cảnh báo Panama phải ngay lập tức giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Kênh đào Panama, nếu không Mỹ sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết" để đạt được mục tiêu này. Ngay sau cuộc họp, ông Mulino lập tức tuyên bố rút khỏi Sáng kiến “Vành đai và Con đường.
Chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Rubio sau khi nhậm chức là tới Panama, điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của kênh đào này đối với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết sau cuộc trò chuyện kéo dài 2 giờ giữa Rubio và Mulino, Tổng thống Trump "đã xác định sơ bộ rằng tình hình hiện tại ở khu vực Kênh đào Panama dưới sự ảnh hưởng của Trung Quốc là mối đe dọa đối với kênh đào và cấu thành một vi phạm, điều đó có nghĩa là vi phạm "Hiệp ước liên quan đến tính trung lập vĩnh viễn và hoạt động của Kênh đào Panama".
Người Panama biểu tình chống Mỹ can thiệp vào chính sách đối ngoại của Panama. Ảnh: Reuters
Chờ kết quả kiểm toán PPC
Tổng thống Mulino cho biết để xoa dịu mối lo ngại của ông Trump về sự can thiệp của Trung Quốc vào kênh đào, nhóm kỹ thuật của Kênh đào Panama đang cân nhắc đối thoại trực tiếp với Mỹ trong khi chờ đợi cuộc điều tra của chính phủ đối với Tập đoàn Cảng Panama (PPC), một công ty có trụ sở tại Hong Kong đang điều hành hai cảng kênh đào.
Hutchison Ports PPC, một công ty con của Hong Kong Cheung Kong Holdings, hiện đang vận hành hai cảng lớn là Cristobal và Balboa, ở phía Đại Tây Dương và Thái Bình Dương của Kênh đào Panama.
PPC đã được cấp quyền khai thác cảng kênh đào trong 25 năm kể từ năm 1997 và hợp đồng được tự động gia hạn thêm 25 năm nữa vào năm 2021. Chính phủ Panama gần đây đã tiến hành kiểm toán các tài khoản của các công ty con thuộc Cheung Kong Holdings để đảm bảo việc sử dụng nguồn lực công một cách hiệu quả và minh bạch.
PPC trước đó đã đưa ra tuyên bố cho biết công ty vẫn cam kết hoạt động tại địa phương và đang hợp tác toàn diện với cuộc kiểm toán để duy trì tính minh bạch cần thiết.
Kênh đào là một chủ đề nhạy cảm, đặc biệt đối với người Panama, vì hoạt động thành công của nó luôn được coi là hình mẫu quản trị tốt của đất nước và gắn liền với danh dự quốc gia. "Nếu thực sự muốn tấn công một quốc gia nhỏ thân Mỹ, ông Trump đã tìm ra cách để làm điều đó", John Feeley, cựu đại sứ Mỹ tại Panama, cho biết.
Một số người cho rằng Panama đã bị ảnh hưởng bởi "tâm lý chống Trung Quốc" của chính phủ Mỹ. Tờ Financial Times của Anh hôm 1/2 đã thẳng thắn chỉ ra: "Panama đang bị cuốn vào một cuộc đấu tranh địa chính trị khốc liệt. Tình trạng khó khăn của nó cho thấy các quốc gia khác được hưởng lợi từ toàn cầu hóa và hy vọng giữ được sự trung lập có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý chống Trung Quốc của Washington”.
Hiện Trung Quốc chưa có phản ứng gì trước thông tin Panama rút khỏi Sáng kiến Vành đai, con đường.
Theo Singtao, Zaobao