Bộ Tư pháp Mỹ vừa ra chỉ thị cấm nhân viên đăng thông tin công việc lên mạng xã hội. Động thái này ngay lập tức gây chú ý, khi chính Tổng thống Trump thường chia sẻ các quyết sách chính trị lên mạng xã hội.

1 Bo Tu Phap My Cam Nhan Vien Dang Cong Viec Len Mang Xa Hoi Trai Nguoc Voi Thoi Quen Cua Ong Trump

Ông Trump thường đăng tải các phát ngôn liên quan đến công việc chính phủ trên ứng dụng mạng xã hội của riêng ông, Truth Social - Ảnh: BLOOMBERG

Ngày 15-4, Bộ Tư pháp Mỹ đã ban hành một chỉ thị mới yêu cầu toàn bộ nhân viên không được đăng tải lên mạng xã hội bất kỳ nội dung nào liên quan đến công việc chính phủ, sau khi một loạt nhân sự chính trị mới được bổ nhiệm của cơ quan này liên tục đăng bài ca ngợi ông Trump và chỉ trích đối thủ của ông trên mạng.

Động thái này đánh dấu sự siết chặt rõ rệt trong cách kiểm soát phát ngôn nội bộ - điều đáng chú ý khi chính Tổng thống Trump vốn nổi tiếng với việc thường xuyên chia sẻ thông tin liên quan đến công việc chính phủ và các quyết sách chính trị của mình lên mạng xã hội.

Chính sách mới gây tranh cãi

Chỉ thị này được gửi qua email đến các văn phòng công tố viên liên bang vào tối 14-4 (giờ địa phương), yêu cầu các nhân viên không đăng bất cứ thông tin gì có liên quan đến công việc chính phủ, dù dưới dạng cá nhân hay chia sẻ lại thông tin chính thức như thông cáo báo chí. 

Ngay cả việc nêu rõ chức danh công tác trên các nền tảng mạng xã hội cũng bị cấm.

Hãng tin Reuters cho biết chỉ thị này do Thứ trưởng Tư pháp Todd Blanche ban hành, sau khi ông không hài lòng trước một số phát ngôn trên mạng xã hội của các nhân sự chính trị.

Dù từ trước đến nay Bộ Tư pháp vẫn hạn chế nhân viên dùng mạng xã hội, như nghiêm cấm bàn luận về các cuộc điều tra chưa được công khai hoặc đưa ra các quan điểm mang tính chính trị có thể gây ảnh hưởng đến tính trung lập của bộ, nhưng chính sách lần này đã mở rộng phạm vi hạn chế hơn.

Cựu luật sư Stacey Young, người vừa rời khỏi Bộ Tư pháp cách đây không lâu, khẳng định chính sách mới này có thể ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của nhân viên tại đây.

"Chính sách này là một cuộc tấn công vô lý khác nhắm vào nhân viên Bộ Tư pháp. Nó bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của họ trong đời sống cá nhân, tạo thêm lý do để chính quyền sa thải những người không đi đúng 'đường lối'", bà nói.

2 Bo Tu Phap My Cam Nhan Vien Dang Cong Viec Len Mang Xa Hoi Trai Nguoc Voi Thoi Quen Cua Ong Trump

Thứ trưởng Tư pháp Todd Blanche là người đứng sau chỉ thị mới này - Ảnh: REUTERS

Xung đột với chính ông Trump?

Trước khi chính sách được ban hành, nhiều quan chức hàng đầu do ông Trump bổ nhiệm đã đăng những nội dung mà theo chính sách mới sẽ bị cấm - ví dụ như chèn quan điểm chính trị vào công việc, hoặc phát ngôn "coi thường sự thật" về các cá nhân mà bộ làm việc cùng, bao gồm cả thẩm phán.

Ví dụ, ông Leo Terrell - cố vấn cao cấp của Bộ phận Dân quyền - mỗi ngày đều đăng tải các nội dung ủng hộ ông Trump trên mạng xã hội X.

"Đảng Dân chủ đang ghen tị với Tổng thống Trump!", ông chia sẻ dòng trạng thái hôm 12-4.

Một trường hợp khác là ông Aaron Reitz, người đứng đầu Văn phòng Chính sách pháp lý của bộ, cáo buộc các thẩm phán do Đảng Dân chủ bổ nhiệm "đứng về phía các băng đảng" để tước đi quyền thực thi chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. 

Trong khi đó, Tổng chưởng lý Pam Bondi bị chỉ trích vì tuyên bố sai lệch trong một vụ án liên quan đến băng đảng MS-13, khiến sau đó Bộ Tư pháp phải hủy truy tố và trục xuất nghi phạm.

Điều đáng nói rằng chỉ thị kiểm soát mạng xã hội của Bộ Tư pháp lại đang xung đột với chính Tổng thống Trump, khi ông là người thường xuyên sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, công bố chính sách và bày tỏ quan điểm cá nhân - đôi khi gây tranh cãi hoặc khiến chính quyền của ông phải lúng túng. 

Từ nhiệm kỳ đầu đến khi quay lại Nhà Trắng năm 2025, ông Trump luôn xem mạng xã hội là công cụ đắc lực để trực tiếp tiếp cận cử tri, vượt qua báo chí và định hình thông tin.

Với việc mở rộng các điều khoản bị cấm, ông Ari Cohn, cố vấn chính sách công nghệ của Tổ chức Bảo vệ quyền tự do ngôn luận và biểu đạt, cho rằng mặc dù chính phủ có quyền hạn nhất định để kiểm soát việc sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân vào công việc công, nhưng phạm vi chính sách mới quá rộng và có thể khiến nhân viên bị nhắm đến chỉ vì quan điểm cá nhân.

"Nguy cơ mà các quy định này có thể bị lợi dụng theo hướng chính trị để loại bỏ những người có ý kiến không phù hợp với giới lãnh đạo hoặc chính quyền là điều cực kỳ đáng lo ngại", ông nói.

HÀ ĐÀO

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC