Trong một buổi nói chuyện với các sinh viên trường Harvard, tỷ phú Bill Gates chia sẻ điều nuối tiếc nhất của mình thời sinh viên là ít tham gia tiệc tùng hay các hoạt động thể thao mà chỉ chú tâm vào học hành. Ông ước rằng khi đó mình tham dự tiệc nhiều hơn và nghiên cứu ít hơn.
Ông chủ Microsoft chia sẻ: "Tôi đã bỏ lỡ rất nhiều thứ: Tôi chưa từng tham gia một trận bóng bầu dục, bóng rổ hay bất cứ môn thể thao nào khi còn ở Harvard".
Danica Gutierrez, một sinh viên năm hai của đại học Harvard và là sinh viên được nhận học bổng Gates Millennium (Quỹ học bổng do Gates và vợ sáng lập để hỗ trợ học phí cho sinh viên có thành tích xuất sắc), đã đặt ra một câu hỏi cho tỷ phú trong buổi hỏi đáp tại Harvard.
Sau khi cảm ơn ông đã giúp đỡ mình có cơ hội học tập tại trường Harvard bằng học bổng, Gutierrez hỏi rằng: "Điều gì khiến ông hối tiếc vì đã làm hoặc đã không làm khi ở Harvard?"
Bill Gates và vợ sáng lập ra quỹ Gates Millennium Scholarship.
Bill Gate cho biết: "Tôi ước mình hòa đồng hơn". Cả hội trường vô cùng bất ngờ trước câu trả lời của vị tỷ phú. Sau đó, Bill Gates tiếp tục kể câu chuyện về việc Steve Ballmer - cựu CEO của Microsoft đã "ép" ông tham gia vào Fox Club - một câu lạc bộ dành cho sinh viên ở trường đại học Harvard.
"Khi ấy, tôi sống khá khép kín và không hay tham gia các hoạt động xã hội cho nên tôi còn chẳng biết đến sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên Steve Ballmer đã kiên quyết cho rằng tôi cần phải hòa đồng bằng việc tham gia các sự kiện và uống giao lưu với mọi người nhiều hơn. Trong khi đó, tôi lại thường đến những sự kiện mang tính giáo dục cao hơn".
Ballmer cũng theo học trường Harvard cùng thời điểm với Gates, nhưng trái ngược với tính cách bạn của mình, ông lại rất năng động trong việc tham gia các hoạt động xã hội. Không chỉ là thành viên của câu lạc bộ Fox Club, quản lý đội bóng, Ballmer còn là tác giả của hai ấn phẩm văn học ở trường.
Gates chia sẻ trong tâm trạng hối tiếc: "Tôi ước mình quen biết nhiều người hơn. Khi còn ở Harvard, tôi chỉ chú tâm đến việc học và đăng ký theo học rất nhiều lớp".
Bill Gates không phải là người thành công duy nhất khi nhớ lại thời trẻ và nhận ra rằng việc trải nghiệm các hoạt động cũng như gặp gỡ nhiều người mới đem lại lợi ích cho sau này hơn là việc biến mình thành "con mọt" sách.
Ngoài Bill Gates, nhiều người thành công khác cũng hối tiếc về dành quá nhiều thời gian vào học và ít tham gia hoạt động xã hội khi còn trẻ.
Amy Bohutinsky, giám đốc điều hành công ty môi giới bất động sản trực tuyến Zillow chia sẻ: "Tôi ước thời đại học mình nhận thức được rằng, cố gắng trở thành người mà bạn muốn không quan trọng bằng những gì bạn có thể học thông qua trải nghiệm. "Những công việc thú vị và khiến con người thỏa mãn nhất sẽ phải trải qua nhiều biến động, cơ hội tốt nhất sẽ chỉ đến với những ai luôn tò mò, cởi mở và chấp nhận thất bại".
Bạn học cùng lớp không phải là đối tượng duy nhất chúng ta có thể gặp gỡ và kết giao khi ở đại học. Diễn giả Laura Vanderkam từng học tại Đại học Princeton nói rằng bà ước gì mình đã kết nối với các diễn giả, giáo sư và cựu sinh viên nhiều hơn.
"Khi là sinh viên, bạn có cơ hội kết nối tuyệt vời. Mọi người luôn sẵn lòng để trả lời những thắc mắc của sinh viên nhất và trao đổi với sinh viên theo cách mà họ sẽ không làm với người trưởng thành bình thường. Tôi ước rằng mình có sự chủ động hơn về việc tiếp xúc với những người mà tôi muốn gặp ở trong và ngoài trường đại học".
Đại học cũng cho bạn cơ hội để gặp gỡ nhiều người đến từ các tầng lớp, hoàn cảnh và quan điểm khác nhau.
Katherine W. Phillips, phó chủ tịch cấp cao tại Trường Kinh doanh Columbia viết trong tạp chí Scientific American năm 2014: "Việc tương tác với các cá nhân khác nhau giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn, có khả năng đưa ra được nhiều quan điểm thay thế để đạt được sự đồng thuận chung của mọi người".
Cuối cùng tỷ phú khẳng định: "Học đại học thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời. Bạn luôn có bạn bè xung quanh để trò chuyện vui vẻ suốt 24h một ngày và các tiết học thì vô cùng thú vị. Tôi ước rằng khi ấy mình có thể cân bằng giữa việc học tập và các hoạt động xã hội hơn".
Nguồn: Nhịp sống kinh tế