Một khảo sát được công bố trên The Economist cho biết, người dân các nước thịnh vượng có xu hướng đi ngủ sớm.

Các nước càng giàu, người dân ngủ càng nhiều - 0

Theo khảo sát trên một triệu người của ứng dụng Sleep Cycle - ứng dụng theo dõi hoạt động về đêm, thời gian ngủ trung bình mỗi đêm của mọi người trên toàn thế giới là 7 giờ 12 phút.

Điểm thú vị ở chỗ, các nước có thu nhập bình quân đầu người càng cao thì thời gian ngủ trung bình của người dân càng dài.

Các nước càng giàu, người dân ngủ càng nhiều - 1

Biểu đồ giờ ngủ trung bình mỗi đêm của người dân các nước. Ảnh: The Economist

Nhóm nước có thời gian ngủ dài nhất, trung bình từ 7 giờ 30 phút đến 7 giờ 45 phút mỗi đêm có thể kể đến như New Zealand, Hà Lan, Phần Lan, Australia, Bỉ, Ireland...

Các nước như Mỹ, Đức, Thụy Sỹ, Na Uy, Luxembourg, Canada.. ngủ ít hơn đôi chút, với thời gian 7 giờ 15 đến 7 giờ 30 phút mỗi đêm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày. CEO Apple Tim Cook luôn thức dậy trước 4 giờ sáng. Theo The Economist, gần một nửa các nhà quản lý cấp cao khẳng định giấc ngủ ngắn của họ không ảnh hưởng đến năng suất làm việc. Tuy nhiên, với đại đa số mọi người, dường như giấc ngủ dài giúp mang lại năng suất làm việc tốt hơn.

Riêng Việt Nam được xếp trong nhóm ngủ ít hơn, chỉ 6 giờ 45 đến 7 giờ mỗi đêm, cùng với các nước như Mexico, Thái Lan, Ấn Độ. Tuy nhiên, có thể do tập quán chung của người Đông Á nên trong nhóm này cũng vài nước có GDP đầu người vượt trội như Singapore, vùng lãnh thổ Hong Kong và Đài Loan hay Israel.

Nằm ngoài xu hướng càng giàu ngủ càng nhiều là Nhật Bản, Hàn Quốc và Saudi Arabia. Ba quốc gia này có thời gian ngủ trung bình của người dân mỗi đêm chỉ 6 giờ 15 đến 6 giờ 30 phút.

The Economist cho rằng, các "con hổ" kinh tế như Hàn Quốc hay Đài Loan, giới công nhân thường hoàn tất mọi thứ và lên giường vào lúc 1 giờ sáng. Trong khi đó, thiếu ngủ cũng có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng kiệt sức do thiếu ngủ kéo giảm năng suất làm việc của người Nhật. Ước tính GDP Nhật Bản hàng năm mất 3% bởi nguyên nhân này.

 

Nguồn: Phiên An 

VnExpress, The Economist




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC