Nga có thể đang tận hưởng mối quan hệ nở rộ với Trung Quốc nhưng cần cẩn thận nếu quay lưng với châu Âu vào lúc này, đó là cảnh báo của Phó thủ tướng Bỉ Kris Peeters.

42 1 Chau Au Canh Bao Khi Nga Bat Tay Voi Trung Quoc

Các mối quan hệ quốc tế của Nga hiện tại đang thể hiện sự phân cực, yêu và ghét một cách rõ ràng. Nga đang có mối quan hệ căng thẳng và rạn nứt với Mỹ và châu Âu, đồng thời tỷ lệ nghịch với mối quan hệ Moscow – Bắc Kinh ngày càng ấm áp.

Mối quan hệ thân thiết khác thường giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất dễ thấy khi ông Tập Cận Bình tới Nga hôm thứ tư 5.6 trong chuyến công du 3 ngày. Ngay khi đặt chân xuống xứ Bạch Dương, Chủ tịch Trung Quốc đã ca ngợi ông Putin và cam kết tăng cường hợp tác Trung-Nga.

Ông Tập đã mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là người bạn thân thiết nhất và tuyên bố sẽ thúc đẩy quan hệ ngoại giao và thương mại sâu sắc hơn giữa hai nước, một động thái diễn ra khi quan hệ của cả Nga và Trung Quốc với Mỹ vẫn căng thẳng trong bối cảnh bị Mỹ trừng phạt: Nga thì bị cấm vận, Trung Quốc thì bị ăn đòn thuế quan.

Người phương Đông có câu “Đồng bệnh tương lân” và trong hoàn cảnh hiện tại, Nga và Trung Quốc dễ dàng tìm đến với nhau. Trong chiều hướng khác, điều này khiến Mỹ và Châu Âu đều phải quan sát chặt chẽ khi cả hai đều có mối quan hệ căng thẳng với Nga.

Cả Mỹ và EU đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga về việc sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, vì vai trò của Nga ở miền đông Ukraine, vì cáo buộc sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ và vì nghi án Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ngay trên đất Anh

Ukraine tiếp tục là một ngòi nổ căng thẳng và hỗn loạn. Châu Âu đã cố gắng dàn xếp một thỏa thuận hòa bình (được gọi là thỏa thuận Minsk, giữa Nga và Ukraine về lãnh thổ bị tranh chấp ở phía đông của Ukraine), nhưng cả hai bên đều cáo buộc bên kia vi phạm hiệp định và hy vọng hòa bình lâu dài rất mong manh.

Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga dự kiến ​​sẽ được đưa ra khi chúng gắn liền với việc thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk. Với tình hình tại Ukraine lúc này, chưa có đột phá nào để cải thiện mối quan hệ Nga – EU. Nhưng EU vẫn muốn níu giữ Nga đừng xoay trục quá mạnh sang Trung Quốc.

“Nga phải nhận thức rằng việc giao thương với châu Âu và giải quyết các vấn đề trong thỏa thuận Minsk không chỉ rất tích cực đối với Nga mà còn đối với châu Âu”, ông Kris Peeters, Phó thủ tướng và bộ trưởng kinh tế của Bỉ, nói với CNBC hôm qua 6.6.

Ông Peeters cũng lưu ý rằng trong khi Nga có thể tìm đến Trung Quốc vì tình hữu nghị và thúc đẩy kinh tế, thì không nên quay lưng với các nước láng giềng châu Âu.

“Chủ tịch Trung Quốc ở đây để nói với thế giới, ''Ok, chúng ta có thể hợp tác kinh doanh'', nhưng Nga phải biết rằng châu Âu rất gần, rất gần với Nga và khi đạt được thỏa thuận Minsk, chúng ta có thể giao thương trở lại.

Tôi tin chắc rằng mối quan hệ giữa châu Âu và Nga là một mối quan hệ rất quan trọng, khi bạn nhìn vào lịch sử, chúng tôi rất thân thiết. Tất nhiên, những vấn đề với Ukraine chúng ta có thể giải quyết bằng cuộc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau - nhưng nếu điều đó không xảy ra, chúng ta cần thuyết phục Putin và các bộ trưởng khác ngồi vào bàn và tìm giải pháp khác”.

Còn tại Mỹ, áp lực đòi trừng phạt Nga cũng đang dâng cao khi ân oán đang chồng chất từ việc 2 bên có quan điểm khác nhau trong tình hình Venezuela, Trung Đông cho đến việc cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vẫn được “giữ lửa đều”.

Có thể thấy phương Tây lúc này không tìm được tiếng nói chung với Nga trong lúc cảnh giác cao độ với Trung Quốc. Để Nga và Trung Quốc tìm đến nhau lúc này không phải là điều mà phương Tây mong muốn, đặc biệt với châu Âu vốn dễ bị tổn thương hơn khi họ giáp biên giới với Nga.

Anh Tú

Theo Một Thế Giới




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC