Châu Âu đang chứng kiến sự trở lại của những thảm họa chính trị chưa từng thấy kể từ khi cuộc nội chiến cuối cùng ở châu lục này kết thúc năm 1945

42 1 Chau Au Dang Bat On

Ảnh: REUTERS

Thời gian qua, châu Âu phải đương đầu với hàng loạt khủng hoảng - nợ nần của Ý, tình trạng di cư, những rắc rối ở các quốc gia phía Đông, rồi đến Brexit nhưng dàn lãnh đạo lục địa già ít nhiều vẫn còn giữ được phong độ mạnh mẽ và ổn định. Khi "triều đại" kéo dài 18 năm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đi đến hồi kết, sự xuất hiện vị Tổng thống Pháp năng động và lôi cuốn, Emmanuel Macron, dường như hứa hẹn ít nhất là một bàn tay rắn chắc khác mở ra khả năng phát triển trong tương lai.

Tuy vậy, trong khi Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel đã chọn được bà Annegret Kramp-Karrenbauer, một nhân vật được ví như Angela Merkel 2.0, để kế vị nữ lãnh đạo Đức, người Pháp dường như cũng muốn thay thế ông Macron, mặc dù theo kiểu cách thiếu trật tự hơn.

Bất ngờ thay, trong sự phát triển mạnh mẽ của mình, châu Âu đang đi vào một giai đoạn mới nhiều hiểm nguy hơn.

Phong trào chính trị do ông Macron khởi xướng mang cái tên En Marche! (Bước tiến) nhưng trớ trêu thay, nhà lãnh đạo trẻ đang có những bước lùi rõ rệt. Trong những tuần vừa qua, ông nhiều lần phải chịu đựng cảm giác hoang mang trong Điện Élysée bị phong tỏa giữa làn sóng biểu tình sục sôi mang tên "Ghi-lê vàng".

Sau cùng, dù lập trường trước đây khá cứng rắn, nay ông đành chịu nhượng bộ các yêu sách của họ là ngưng tăng thuế đối với dầu diesel và xăng.

Ông đã đề nghị họ đàm phán, mặc dù với Thủ tướng Edouard Philippe chứ không phải bản thân ông - động thái có thể báo trước sẽ có nhiều người phải giơ đầu chịu báng. Công cuộc cải tổ kinh tế của ông Macron được ghi nhận thật nghèo nàn nhưng phản ứng chống lại ông lại mang tính bạo lực và dường như đã phát triển đáng sợ.

Đối với những người theo phong trào "Ghi-lê vàng", bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền và tin giả về chuyện Pháp trở thành một loại "bãi rác" được quốc tế chỉ định cho hàng triệu người di cư, một số người lên tiếng như thể họ chẳng mong muốn gì hơn ngoài việc tổng thống từ chức và họ sẽ tìm mọi cách để điều đó xảy ra. Còn những người khác chỉ đơn giản là muốn ông Macron ra đi và bằng cách nào đó tái sắp xếp các vấn đề kinh tế của nước Pháp để mức sống của người lao động lại tăng lên như mong đợi của họ.

Các sắc thái của những phong trào chính trị tương tự ở Mỹ và nơi khác tại châu Âu là hết sức rõ ràng. Ở một dạng ngấm ngầm hơn, các vấn đề tương tự đã dẫn đến hiện tượng sụp đổ sự ủng hộ dành cho các đảng phái chính thống ở Đức trong các cuộc bầu cử toàn quốc và khu vực gần đây.

Thực tế là cả Đức và Pháp đều gánh chịu tình trạng bất ổn về kinh tế và chính trị như nhau.

Ở cả hai nước, các đảng cực hữu đều mạnh lên và tự tin đến mức độ mà cách đây vài năm không thể tưởng tượng được.

Hiện tượng tương tự cũng đã xảy ra ở Thụy Điển và một số nơi khác. Do đó, viễn cảnh cho cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào mùa hè tới xem ra hết sức ảm đạm. Cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) - vốn có những quyền lực quan trọng - có thể chẳng bao lâu nữa sẽ trở nên vô hại đối với những kẻ ủng hộ chủ nghĩa phát-xít, những người lập dị...

Vì thế, nhà lãnh đạo mới của Đức và nhà lãnh đạo thất thế của Pháp đều đối mặt với những thế lực tương tự, mặc dù thể hiện và theo đuổi bằng các phương tiện khác nhau. Thật khó để tìm thấy một góc nào ở châu Âu đang được tận hưởng một không khí chính trị êm ả. Châu Âu ngày nay giàu có hơn, tự do hơn và cởi mở hơn nhưng nơi đây đang chứng kiến sự trở lại của những thảm họa chính trị chưa từng thấy kể từ khi cuộc nội chiến cuối cùng ở châu lục này kết thúc năm 1945. 

"Chúng ta đang sống trong thời đại đầy hiểm nguy và càng nguy hiểm hơn khi chúng ta thiếu những vị lãnh đạo mạnh mẽ và ổn định" - báo The Independent (Anh) nhận định. 

Biểu tình ở Pháp "lây lan" sang nước láng giềng

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với sức ép phải hành động để dập tắt sự giận dữ đang chia rẽ nước Pháp sau khi đợt biểu tình "Ghi-lê vàng" mới nhất nổi lên hôm 8-12 khiến ít nhất 71 người bị thương ở Paris cùng hàng loạt thiệt hại đáng kể trên cả nước.

Nhà lãnh đạo 40 tuổi đã phá vỡ sự im lặng đêm 8-12 để mở lời cảm ơn lực lượng an ninh sau khi khoảng 8.000 cảnh sát và hiến binh được triển khai để đối phó với cuộc biểu tình tại Paris. Số cảnh sát và hiến binh triển khai trên cả nước lên tới 89.000 người.

Bộ Nội vụ nước này cho biết 1.723 người bị bắt giữ trên cả nước trong đợt biểu tình. Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hứa hẹn rằng sẽ "khôi phục đoàn kết quốc gia". Ông khẳng định Tổng thống Macron sẽ sớm thi hành các biện pháp để thúc đẩy đàm phán với người biểu tình.

Trong ngày 9-12, những dấu vết việc sử dụng hơi cay của lực lượng an ninh để đối phó với người biểu tình của ngày trước đó vẫn còn la liệt trên đại lộ Élysées ở Paris, cùng với mưa to, gió lớn suốt đêm 8-12 khiến việc dọn dẹp sau biểu tình gặp không ít khó khăn. Cuộc biểu tình "lây lan" sang cả các nước láng giềng của Pháp và cảnh sát Bỉ cũng phải viện tới hơi cay và vòi rồng để đối phó với những người biểu tình "Áo ghi-lê vàng". Theo Reuters, cảnh sát ở Brussels (Bỉ) đã bắt giữ hơn 400 người biểu tình quá khích.

Tại TP Rotterdam (Hà Lan), vài trăm người biểu tình mặc áo ghi-lê vàng cũng xuống đường ngày 8-12, cất tiếng hát và tặng hoa cho người đi đường. Khoảng 100 người biểu tình khác tuần hành bên ngoài nghị viện nước này tại The Hague.

Nguồn: nld.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC