Một cặp vợ chồng người cao tuổi ở Acciaroli, miền Nam Italy. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Nghiên cứu trên do tác giả Daniela Weber cùng đồng nghiệp Sergei Scherbov ở Trung tâm Wittgenstein thuộc Viện Quốc tế về Phân tích hệ thống ứng dụng tại Laxenburg, Áo tiến hành.
Sau khi tiến hành khảo sát tại 26 nước châu Âu, ông Weber cùng đồng nghiệp nhận thấy những khác biệt về văn hóa và dân tộc ảnh hưởng đến việc tự đánh giá tình trạng sức khỏe của người được hỏi.
Chẳng hạn tại Đức, 27% số phụ nữ trên 65 tuổi nói rằng có ít nhất một vấn đề sức khỏe, trong khi tại Hà Lan, chỉ có 12% số phụ nữ cùng độ tuổi có đánh giá tương tự.
Do hai nước trên có chất lượng hệ thống y tế tương đương và tuổi thọ của người dân gần như ngang nhau, sự khác biệt có thể chủ yếu do “những đánh giá chủ quan.”
Khi loại bỏ những khác biệt trên, nghiên cứu ước tính đến năm 2047, khoảng 21% số phụ nữ và 17% số nam giới từ 65 tuổi trở lên ở châu Âu sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm trọng và lâu dài về thể chất.
Tỷ lệ này cao hơn một chút so với tỷ lệ hiện nay, song dân số lão hóa và tuổi thọ gia tăng tại nhiều nước châu Âu hiện cho thấy số người cao tuổi, bao gồm cả người ốm yếu và bình thường, dự kiến sẽ tăng mạnh.
Các tác giả nghiên cứu cảnh báo kết quả trên là “tin xấu” đối với ngân sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng, khi mà nhiều gia đình trong tương lai phải giải quyết vấn đề chăm sóc các thành viên cao tuổi không có khả năng thực hiện những công việc đơn giản như mặc quần áo hay nấu nướng.
Nguồn: Vietnam+