Tại Hồng Kông hôm thứ Hai (19/11), ông Patrick Murphy, một quan chức thuộc văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói rằng Hoa Kỳ đã có hai cuộc hội đàm ngoại giao cấp cao với Trung Quốc bất chấp cuộc chiến thương mại giữa hai nước vẫn đang diễn ra.
Ông Murphy là một trong những quan chức ngoại giao cấp cao hộ tống Phó Tổng thống Pence trong chuyến công tác châu Á tuần trước. Ông cho biết Biển Đông và Đài Loan là những vấn đề khó khăn nhất quyết định mối quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ, nhưng Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm chính về việc đã làm phức tạp hóa và làm trầm trọng thêm hai vấn đề này.
“Quan ngại của chúng tôi trong cả hai vấn đề là chúng tôi [chịu trách nhiệm] quản lý các mối quan hệ [để duy trì] hiện trạng [ổn định] trong nhiều thập kỷ qua, nhưng Trung Quốc [lại] đang thay đổi điều đó đối với cả vấn đề Đài Loan và Biển Đông, điều này dẫn đến căng thẳng… [và] các hệ lụy nữa ”, ông Murphy nói.
“Chúng tôi mong muốn đạt được [những cuộc đối thoại] thành công. Nhưng làm thế nào bạn có thể có một cuộc đối thoại [như vậy] trong khi đối tác đang [triển khai việc] xây dựng, bồi đắp và quân sự hóa… những việc làm suy giảm niềm tin?”
Ông Murphy muốn ám chỉ tới việc, từ năm 2014 cho tới 2016, Bắc Kinh đã tự ý bồi đắp 7 rặng san hô trên Biển Đông thành các đảo nhân tạo và triển khai quân đội và vũ khí lên các đảo này. Chính sách mềm mỏng của Tổng thống đương thời Barack Obama được đánh giá là góp phần tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện tham vọng xây dựng đảo ở Biển Đông.
Ông Obama bị chỉ trích vì đã không cho phép hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, trong khoảng thời gian khác các hoạt động của hải quân được tiến hành nhưng phải xin phép ông từng lượt, từng lượt.
Ông Patrick Murphy, quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ông cho biết chính quyền Trump sẽ không nhượng bộ Trung Quốc về Biển Đông (Ảnh: Pickson Lee/SCMP)
Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng cạnh Tổng thống Barack Obama trong Vườn Hồng của Nhà Trắng và hứa hẹn sẽ không quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông, theo Business Insider. Nhưng Trung Quốc đã đưa các máy bay ném bom hạt nhân, máy bay tiêm kích chiến đấu, tên lửa và các khí tài quân sự khác đến các tiền đồn mà họ chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông.
Trái ngược với người tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Trump đang tăng cường phản đối tham vọng của Bắc Kinh về Biển Đông. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, vào tháng 7/2017, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh phê duyệt quân đội tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông theo kế hoạch một năm mà không cần xin phép.
Chiến lược của chính quyền Trump là duy trì sự hiện diện ở Biển Đông thường xuyên đến mức điều đó không còn là tin tức đáng kể gì đối với giới truyền thông. Thông qua điều này, Hoa Kỳ đã phản bác thành công các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông, theo Business Insider.
Chính quyền Trump có kế hoạch thành lập liên minh “Quad” do Mỹ lãnh đạo với sự tham gia của Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, được cho là một động thái nhằm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi được hỏi về Quad, ông Murphy cho biết liên minh này không phải là một cơ chế để “tập trung vào các vấn đề quân sự”, mà là một nền tảng đa phương nhắm mục tiêu chia sẻ quan điểm và lợi ích chung giữa bốn quốc gia.
Nguồn: Trí Dũng
DKN.tv