Thủ tướng Italy Giuseppe Conte phát biểu tại Thượng viện. (Nguồn:WSJ)
Trong bài phát biểu kéo dài một giờ đồng hồ tại Thượng viện vào chiều ngày 20/8, ông Conte đã chỉ trích Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc Italy (NL) Matteo Salvini đặt lợi ích cá nhân trên lợi ích quốc gia, đang “nhăm nhe” trở thành Thủ tướng.
Ông Conte còn chỉ trích hành động của ông Salvini có thể tác động nghiêm trọng đến tình hình chính trị và kinh tế của đất nước. Theo ông, một cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra giữa mùa hè sẽ dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào mùa thu, điều rất bất thường đối với các nguyên tắc về thể chế và chính trị của Italy, đẩy đất nước vào tình trạng “bất trắc chính trị và bất ổn tài chính”, khiếm Rome suy yếu so với các quốc gia EU khác. Cuối bài phát biểu, ông Conte thông báo chính phủ của ông sẽ kết thúc tại đây và ông sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Italy Sergio Matterella.
“Đáp lễ” ông Conte tại Thượng viện và giải thích về quyết định của mình, ông Salvani khẳng định đảng Phong trào 5 sao (M5S) đã quá nhiều lần nói “không” với công việc của chính phủ. Ví dụ, đảng này đã phản đối dự án tuyến đường sắt cao tốc nối Turin (Italy) với Lyon (Pháp). Ông Salvini cho rằng thúc đẩy tổ chức bầu cử sớm là quyết định đúng đắn bởi “trong một nền dân chủ, con đường đúng đắn luôn là hỏi ý kiến người dân”.
Quyết định từ chức của ông Conte đã đặt dấu chấm kết thúc đối với liên minh cầm quyền giữa đảng Liên đoàn và M5S sau 14 tháng hoạt động. Trước đó, đầu tháng này, ông Matteo Salvini đã kêu gọi tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Conte và tổ chức bầu cử sớm. Ông Salvini cũng rút NL ra khỏi liên minh cầm quyền.
Tổng thống Sergio Matterella đêm 20/8 đã chấp nhận đơn từ chức của ông Conte và tổ chức tham vấn ý kiến của các đảng trong Quốc hội cùng với đại diện các đảng tại Italy để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, tiến tới thành lập chính phủ mới bắt đầu từ ngày 21/8. Nếu thất bại, ông Mattarella sẽ phải giải tán Quốc hội sớm hơn kế hoạch ba năm rưỡi để tổ chức bầu cử, qua đó mở rộng con đường chiếm lấy chiếc ghế Thủ tướng của ông Salvini.
Kịch bản này là có cơ sở khi trong một năm qua, tỉ lệ ủng hộ ông Salvini đã tăng lên gấp đôi, đạt mức gần 40%, mức trần trong nền chính trị phân mảnh của Italy, khi ông liên tục “đánh úp” làm cho đảng M5S thiếu kinh nghiệm bị bối rối. Tỉ lệ ủng hộ của đảng M5S đã giảm còn một nửa và khiến cơ hội của đảng này trong cuộc bầu cử sắp tới gần như là con số không.
Tuy vậy, dù đã lên kế hoạch rất tài tình, giấc mơ chiếm ghế Thủ tướng của ông Salvini có thể không trở thành hiện thực. Đảng M5S, vốn cảm thấy bị phản bội bởi đảng NL và quan ngại trước vị thế ngày càng lớn của Bộ trưởng Nội vụ, hoàn toàn có thể lập ra một liên minh mới nhằm “đóng băng” quyền lực của ông Salvini. Nhiều khả năng, lãnh đạo đảng M5S Luigi Di Maio sẽ kết thân với Đảng Dân chủ phe trung tả, cho dù ông Di Maio và cựu Thủ tướng Matteo Renzi vốn “không đội trời chung”. Điểm chung duy nhất là cả hai đều không ủng hộ ông Salvini và có thể bỏ qua hận thù ngày trước để cứu vãn lấy mớ rối ren mang tên chính trường Italy.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có kịch bản nào mang lại cái kết êm đẹp, khôi phục sự bình ổn cho chính trường Italy nói riêng và chính trường EU nói chung. Tương lai của thành Rome do đó vẫn là câu hỏi không lời giải đáp.
Báo Thế giới và Việt Nam