Sau khi hàng chục triệu người Mỹ đi bỏ phiếu và một loạt đơn kiện nối tiếp được đệ trình, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng sắp đến hồi kết.
Ngày 6/1, Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức phiên họp chung để đếm phiếu bầu của đại cử tri, bước cuối cùng để xác nhận chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ. Theo kết quả phiếu bầu phổ thông ngày 3/11/2020 và theo cuộc bỏ phiếu của đại cử tri ngày 14/12, ông Joe Biden đều giành được 306 phiếu để trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ.
Cuộc gặp này cũng là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Donald Trump và các đồng minh phản đối kết quả bầu cử này.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump đã cố gắng không ngừng để lật ngược kết quả bầu cử ở 6 bang chiến trường, nhưng thất bại. Ông cũng liên tục tuyên bố cuộc bầu cử bị gian lận dù không đưa ra bằng chứng.
Ông Trump vẫn không nhận thua trước đối thủ Joe Biden. Ảnh: Financial Times.
Phe ông Trump nộp một loạt đơn kiện bầu cử lên tòa án các cấp. Tuy nhiên, những khiếu nại này bị các tòa án bác bỏ gần 60 lần. Tòa án Tối cao cũng hai lần từ chối đơn kiện của êkíp ông Trump.
Tổng thống không bỏ cuộc. Chỉ 4 ngày trước khi kết quả cuối cùng được ấn định, ông Trump tiếp tục gây áp lực cho các quan chức để lật kèo bầu cử. Điều này được tiết lộ qua đoạn ghi âm cuộc gọi ngày 2/1 giữa tổng thống và Tổng thư ký bang Georgia, Brad Raffensperger. Tổng thống yêu cầu ông Raffensperger "tìm" thêm hơn 11.000 phiếu để san lấp cách biệt với tổng thống đắc cử Joe Biden.
USA Today nhận định phiên họp ngày 6/1 sẽ một lần nữa xác nhận thất bại của ông Trump, dù nhiều đồng minh Cộng hòa của tổng thống nói họ sẽ phản đối việc thông qua phiếu bầu của đại cử tri.
Sau đây là những chuyện có thể xảy ra tại Điện Capitol vào ngày 6/1.
Phiếu được đếm như thế nào?
13h ngày 6/1, Thượng viện và Hạ viện sẽ bắt đầu phiên họp chung tại Điện Capitol, với người chủ trì là Phó tổng thống Mike Pence.
Lãnh đạo của 2 chính đảng cũng chọn các nghị sĩ từ lưỡng viện làm “người đọc phiếu”.
Ông Pence sẽ mở giấy chứng nhận số phiếu bầu của đại cử tri và để người đọc phiếu công bố kết quả của từng bang.
Phó tổng thống Mike Pence là người sẽ chủ trì cuộc họp kiểm phiếu đại cử tri. Ảnh: AP.
Sau khi phiếu bầu từ mỗi bang được đọc lên, bất kỳ nghị sĩ nào cũng có thể đứng lên phản đối kết quả, với bất cứ lý do nào.
Tuy nhiên, người chủ trì cuộc họp chỉ lắng nghe yêu cầu bác các lá phiếu nếu nó được viết ra và được ít nhất một thành viên của mỗi viện (Hạ viện và Thượng viện) ký tên vào.
Sau khi lời phản đối được trình bày, phiên họp chung sẽ bị tạm dừng để mỗi viện họp riêng và tranh luận.
Mỗi phiên tranh luận chỉ được diễn ra trong tối đa 2 tiếng và sau đó, lưỡng viện sẽ phải biểu quyết về yêu cầu xóa bỏ lá phiếu trên.
Lời phản đối sẽ được chấp thuận nếu nhận được đa số phiếu thuận ở mỗi viện. Nếu không, yêu cầu sẽ bị loại bỏ và phiếu đại cử tri của bang đó sẽ được tính là hợp lệ.
Sau khi mọi phiếu bầu của đại cử tri được kiểm đếm xong, ông Pence sẽ là người công bố ứng viên tổng thống và phó tổng thống đắc cử.
Cho đến thời điểm này (ngày 5/1), ông Pence vẫn chưa xác nhận Tổng thống Trump đã thất bại. Phó tổng thống cũng không nói gì về vai trò của mình trong ngày 6/1.
Tuy nhiên, văn phòng của ông Pence ngày 2/1 cho biết phó tổng thống hoan nghênh việc các nghị sĩ phản đối kết quả bầu cử, miễn là theo đúng luật.
Ai sẽ phản đối lá phiếu của đại cử tri?
Nhiều hạ nghị sĩ Cộng hòa cho biết họ sẽ phản đối phiếu bầu của đại cử tri một số bang vì lo ngại gian lận. Tuy vậy, họ vẫn không đưa ra bằng chứng để củng cố lập luận của mình.
Hạ nghị sĩ Mo Brooks của bang Alabama là người đang dẫn đầu nỗ lực của đảng Cộng hòa trong việc phản đối kết quả bầu cử. Ông và nhiều thành viên khác trong phe bảo thủ đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence để bàn về điều này vào ngày 21/12/2020.
Sau cuộc gặp, Hạ nghị sĩ Jody Hice của Georgia và Hạ nghị sĩ Brian Babin của Texas cũng thông báo họ sẽ bác các phiếu bầu của đại cử tri.
Theo ông Brooks, hàng chục hạ nghị sĩ đang lên kế hoạch thay đổi kết quả bầu cử ở ít nhất 6 bang.
Nhiều đồng minh của ông Trump cho biết họ sẽ cản trở quá trình kiểm phiếu. Ảnh: Getty.
“Chúng tôi sẽ đề xuất và bảo trợ những yêu cầu bác kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ở Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia, Arizona, Nevada và có thể nhiều hơn nữa, tùy thuộc vào nơi chúng tôi cùng muốn hướng đến”, ông Brooks nói trên chương trình Fox & Friends.
Hai hạ nghị sĩ Cộng hòa giấu tên cũng nói với CNN rằng khoảng 140 đồng nghiệp của họ sẽ chống lại việc thông qua kết quả.
Tại Thượng viện, lãnh đạo phe đa số, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell của Kentucky đã cảnh báo các đồng nghiệp không tham gia vào những nỗ lực trên.
Theo The Hill, ông McConnell công nhận chiến thắng của ông Biden và nói việc phản đối phiếu bầu của đại cử tri “không mang lại lợi ích tốt nhất cho mọi người”.
Tuy vậy, Thượng nghị sĩ Josh Hawley ở Missouri ngày 30/12/2020 thông báo ông sẽ bác kết quả bỏ phiếu ở ít nhất một bang: Pennsylvania.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley ở Missouri là người đầu tiên ở Thượng viện thông báo sẽ tham gia vào nỗ lực lật kèo của các hạ nghị sĩ. Ảnh: AP.
Ngoài ra, Thượng nghị sĩ Texas Ted Cruz cũng đã kêu gọi được 10 đồng nghiệp ở Thượng viện cùng tham gia phủ quyết kết quả bầu cử.
Theo USA Today, có thể một số, nhưng không phải tất cả, yêu cầu bác phiếu bầu của các thành viên Hạ viện sẽ được một thượng nghị sĩ ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi lời phản đối hợp lệ đều dẫn đến 2 giờ tranh luận. Điều này khiến phiên họp sắp tới có thể kéo dài như cuộc chạy marathon.
Đảng Cộng hòa có thể thành công thay đổi kết quả hay không?
Hoàn toàn không, USA Today khẳng định. Lý do đơn giản nhất: mỗi lời phản đối cần được cả hai viện thông qua, và đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện.
Cán cân ở Thượng viện khó đoán định hơn. Hai chiếc ghế cuối cùng xác định đảng nào chiếm đa số ở Thượng viện sẽ được bầu ra vào ngày 5/1, chỉ một ngày trước phiên họp. Trước lúc đó, đảng Cộng hòa vẫn nắm giữ Thượng viện.
Cho dù có bao nhiêu lời phản đối được đưa ra, kết quả bầu cử vẫn sẽ không thay đổi. Ảnh: AP.
Tuy vậy, vì những lãnh đạo như ông McConnell không ủng hộ kế hoạch lật kèo bầu cử, các thượng nghị sĩ Cộng hòa khó có khả năng đồng lòng phản đối chiến thắng của ông Biden.
Đầu tháng 12/2020, John Thune, nhân vật quyền lực thứ hai của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, cho biết yêu cầu bác kết quả sẽ nhanh chóng bị dập tắt.
“Tôi thấy không có ý nghĩa gì khi bắt mọi người phải trải qua chuyện này trong khi bạn biết kết quả cuối cùng sẽ như thế nào”, thượng nghị sĩ của South Dakota nói với các phóng viên.
Mặc dù các lời phản đối sẽ không thể thay đổi tổng số phiếu bầu, chúng sẽ khiến quá trình kiểm phiếu kéo dài hơn bình thường.
Phiên họp chung của lưỡng viện chỉ diễn ra trong 23 phút vào năm 2013 và 21 phút vào năm 2017, theo Vụ Khảo cứu Quốc hội. Song, phiên họp lần này sẽ không ngắn như vậy.
Nếu cả 6 lời phản đối của các hạ nghị sĩ đều được một thành viên Thượng viện bảo trợ, tổng thời gian tranh luận có thể vượt quá 12 giờ.
Khi trò chuyện với Politico, ông Brooks còn dự đoán quá trình kiểm phiếu sẽ kéo dài đến 18 giờ.
Nếu đúng như vậy, cuộc họp sẽ kết thúc vào ngày 7/1, từ đó chấm dứt cuộc bầu cử tổng thống dài hơi và đầy tranh cãi.
Trần Như (Theo USA Today, AP)
Nguồn: zingnews.vn