Nữ giám đốc tài chính công ty Huawei, bà Mạnh Vãn Chu - Ảnh: REUTERS
Trao đổi trực tuyến với báo giới tại Hà Nội mới đây, luật sư Botting cho biết hiện đội ngũ pháp lý của bà Mạnh đang cố gắng đưa ra lập luận nhằm "tiêu diệt" đề nghị dẫn độ của Mỹ.
Cuối năm 2018, bà Mạnh bị bắt tại sân bay ở Vancouver (Canada) theo yêu cầu của Mỹ, với cáo buộc lừa dối Ngân hàng HSBC và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt lên Iran.
Bà Mạnh là giám đốc tài chính của Huawei, cũng là con gái của nhà sáng lập Nhậm Chính Phi. Vụ việc càng gây xôn xao dư luận khi Huawei là tâm điểm trong những căng thẳng toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phía Huawei nhiều lần khẳng định họ là "nạn nhân của thương chiến Mỹ - Trung". Và khi bắt đầu xuất hiện trả lời báo chí nhiều hơn, ông Nhậm Chính Phi cũng nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc và nói bà Mạnh có thể là "con tin" trong căng thẳng Mỹ - Trung.
Trong thời gian điều trần dẫn độ gần đây, đội ngũ pháp lý bên cạnh bà Mạnh nỗ lực chứng minh có những tình tiết sai phạm trong quá trình bắt và giữ bà Mạnh - căn cứ để chống lại việc dẫn độ nữ giám đốc này sang Mỹ.
Ông Botting là một chuyên gia về dẫn độ, đã xuất bản nhiều quyển sách về vấn đề này, phân tích rằng mọi thứ hiện rất phức tạp, nhưng nhìn chung bà Mạnh gặp bất lợi.
"Thực tế, thông thường khi được các nước láng giềng và gần gũi yêu cầu dẫn độ, Canada sẽ thực hiện việc này. Với hơn 90% các vụ dẫn độ mà tôi tham gia giữa Canada và Mỹ, thì hầu hết khi Mỹ yêu cầu, Canada sẽ chấp nhận. Họ dùng từ ‘tuân thủ’ (thỏa thuận dẫn độ - PV) trong các trường hợp này, và với chúng tôi thì đây gần như một tập quán, thói quen", ông Botting nói.
"Tôi theo dõi vụ việc này rất sát sao, và có thể nói… các thẩm phán rất lưỡng lự trong việc bãi nại, tức là bỏ cáo buộc nhằm vào bà Mạnh, và rất ít khi, rất hiếm việc các thẩm phán Canada gỡ bỏ cáo buộc với những người họ đưa ra xét xử, đếm trên đầu ngón tay thôi", ông Botting nhìn nhận.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online