Các tàu cá của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Tư lệnh quân đội Philippines Benjamin Madrigal Jr. hôm qua cho biết các tàu cá của Trung Quốc liên tục bị phát hiện gần đảo Thị Tứ. Tính từ đầu năm đến nay, con số đã lên tới khoảng 200 tàu. Hồi đầu tháng ba, giới chức Philippines cáo buộc các tàu cá Trung Quốc đã ép ngư dân Philippines rời khỏi những bãi cạn nằm trong lãnh hải của đảo Thị Tứ. Đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Philippines kiểm soát. Trước đó, báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Mỹ, ghi nhận gần 100 tàu Trung Quốc, gồm các tàu hải quân, hải cảnh và hàng chục tàu cá đã áp sát đảo Thị Tứ vào giữa tháng 12/2018.
Trao đổi với VnExpress, Gregory Poling, Giám đốc AMTI, đánh giá các hoạt động gần đây của Trung Quốc ở đảo Thị Tứ chỉ là dấu hiệu cho thấy dân quân Trung Quốc đang gia tăng hiện diện ở Biển Đông. Dù việc họ ngăn cản ngư dân Philippines không phải là sự kiện mới mẻ gì nhưng thể hiện "một điều bình thường mới".
"Hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu cá Trung Quốc đang được sử dụng để giám sát và hăm dọa các nước láng giềng mỗi khi họ có hoạt động gì đó mà Bắc Kinh không ưa", ông Poling nói.
Phó giáo sư Herman Kraft, Đại học Philippines, cho rằng Trung Quốc thể hiện sự bất nhất trong các hoạt động liên quan đến ngư dân Philippines, "lúc thả lỏng, lúc lại quấy rầy".
Từ khi Tổng thống Philippines Duterte lên nắm quyền, quan hệ với Trung Quốc được cải thiện. Có thời điểm ngư dân Philippines "được phép" tự do đánh bắt ở khu vực gần các bãi cạn và các thực thể khác ở Biển Đông. Nhưng các hoạt động của Trung Quốc ở Thị Tứ mới đây không phải điều gây ngạc nhiên. Bắc Kinh không thay đổi gì cách hành xử của mình.
Giáo sư Kraft lưu ý tới việc cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu tổng thanh tra Omopaman Conchita Carpio Morales mới đây nộp đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên Tòa Hình sự quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan. H
ọ cáo buộc hoạt động cải tạo phi pháp ở Biển Đông của Trung Quốc "hủy diệt, gần như vĩnh viễn, và tàn phá môi trường lớn nhất trong lịch sử nhân loại" và kêu gọi khởi xướng "cuộc khảo sát sơ bộ" để "đánh giá các hành vi phạm tội của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác.
Ông Kraft cho rằng dù Trung Quốc chưa lên tiếng về vụ kiện nhưng việc im lặng có thể cho thấy "sự không hài lòng của Bắc Kinh" đối với Manila.
Tiến sĩ Scott Romaniuk, Đại học Alberta, Canada, ước tính số quân núp bóng ngư dân của Trung Quốc lên đến hàng triệu người.
"Bằng cách che giấu ý đồ của mình, Trung Quốc khiến các nước khác khó ứng xử. Đội dân quân không bị coi là tác nhân gây xung đột", Romaniuk nói.
Với lực lượng dân quân trên biển, Trung Quốc nhắm đến ba mục tiêu: thách thức yêu sách của các bên cùng có tranh chấp ở Biển Đông; mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh quanh các đảo và đá có tầm quan trọng chiến lược; sẵn sàng có chạm trán quân sự với bất cứ nước nào để giành quyền kiểm soát. Romaniuk nhận định dù Trung Quốc muốn thử quyết tâm của các nước cùng có tranh chấp ở Biển Đông, hoạt động của đội dân quân đến lúc nào đó sẽ đạt đến giới hạn.
Nói đến chiến lược dài hạn của Trung Quốc, ông Poling tin rằng mục tiêu của Bắc Kinh vẫn là kiểm soát toàn bộ khu vực trên biển và trên không ở Biển Đông, nằm trong đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra. Do đó, Bắc Kinh muốn các bên cùng có tranh chấp phải từ bỏ và ngừng theo đuổi các quyền kinh tế và quyền đi lại ở khu vực này.
Poling cảnh báo các dân quân Trung Quốc sẽ dần dần "siết chặt' hoạt động của Philippines và Việt Nam ở Biển Đông, đến khi hai nước "không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thực tế rằng Bắc Kinh kiểm soát khu vực".
"Các cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở các đảo nhân tạo ở Trường Sa sẽ cho phép các hạm đội dân quân, quân Giải phóng nhân dân và Hải cảnh Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường xuyên ở toàn bộ khu vực thuộc đường 9 đoạn.
Điều đó có nghĩa là Philippines và Việt Nam cần chuẩn bị sẵn tâm lý rằng mọi hoạt động của mình sẽ bị các lực lượng Trung Quốc theo dõi và phản ứng", Poling nói.
Nguồn: Việt Anh/ Vnexpress