Trong những ngày gần đây, châu Âu bất ngờ chìm trong giá lạnh bất thường như Bắc Cực, ảnh hưởng tới nhiều hoạt động và sinh hoạt của người dân.
Thời tiết lạnh giá bất thường ở Anh. Ảnh: iTV
Châu Âu đang trải qua đợt lạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo ghi nhận của Trung Tâm Dự báo thời tiết của Anh, vào ngày 27/2, hàng trăm ngôi trường ở Anh đã phải đóng cửa, giáo thông bị ngưng trệ vì tuyết rơi dày đặc, và nhiệt độ trên toàn quốc gia này chạm ngưỡng -4 độ C, thậm chí còn thấp hơn.
Người dân London thậm chí còn có thể chơi trượt tuyết ngay trên đường phố.
Ở Rome, do ảnh hưởng của không khí lạnh từ Siberia lan sang khắp châu Âu, thành phố Rome của Italy cũng đang trải qua đợt tuyết hiếm hoi kỷ lục kể từ năm 2012, khiến nhiều khu di tích nổi tiếng chìm trong tuyết trắng, giao thông và nhiều hoạt động bị tắc nghẽn.
Thành phố Rome (Italy) bỗng hóa thiên đường do ảnh hưởng của đợt tuyết hiếm hoi. Ảnh: Reuters
Không chỉ Anh, Italy, nhiều quốc gia châu Âu như Pháp, Ba Lan, Nga, Bỉ, ... cũng chìm trong giá rét, tuyết rơi dày và nhiệt độ giảm xuống thấp đột ngột.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này có tên gọi là "Quái vật từ phía Đông" do đợt không khí lạnh từ Siberia tràn sang và lan rộng khắp châu Âu.
Theo số liệu thống kê ban đầu ở các quốc gia, có ít nhất khoảng 10 người đã thiệt mạng trong các vụ việc liên quan tới thời tiết lạnh giá do "Quái vật từ phía Đông" gây ra.
Nguyên nhân bất ngờ
Theo các chuyên gia khí tượng, hiện tượng "băng giá" kỳ lạ ở châu Âu kể từ ngày 25/2 là do sự ấm lên kỳ lạ ở Bắc Cực.
Nguyên nhân của "Quái vật từ phía đông" là do sự ấm lên bất thường ở Bắc Cực. Ảnh: Dailymail
Theo đó, Bắc Cực đang trải qua một trong những mùa đông nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ ở vùng đất này tăng lên trên mức đóng băng.
Những điều kiện bất thường này mà các nhà khoa học cho rằng 'không bao giờ là cực đoan' đang gây ra sự gián đoạn đối với dòng khí ở cực Bắc.
Đây là kết quả do sự ấm lên đột ngột của tầng bình lưu.
Các nhà nghiên cứu cho biết, không khí ấm áp hơn thường lệ ở Bắc Cực đã tạo "đòn bẩy" làm bùng nổ không khí lạnh ở châu Âu – một hiện tượng lạ có thể sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai do tác động của sự ấm lên toàn cầu mà nguyên nhân phần lớn đến từ các hoạt động của con người.
Tổ chức Khí tượng học Thế giới cho biết, đợt lạnh hiếm hoi ở châu Âu trong khoảng thời gian này là do sự bùng nổ các dòng khí quyển đột ngột ở Bắc Cực, dẫn tới sự phân tách của xoáy cực bắc và tác động đến một vùng lạnh của không khí, nơi đổ xuống khu vực phía Nam.
Hiện tượng thời tiết cực đoan này xảy ra ở độ cao gần 29.000m ở phía trên Bắc Cực khi nhiệt độ không khí tăng mạnh khoảng 50 độ C. Điều này cũng khiến nhiệt độ ở một số nơi tại Bắc Cực cao hơn mức trung bình 20 độ C.
Giáo sư Lars Kaleschke tại Đại học Hamburg, cho biết: "Thời tiết kỳ quặc vẫn tiếp tục duy trì với cường độ mạnh.
Những gì mà chúng ta từng coi là dị thường hiện đang trở thành không còn quá xa lạ. Khí hậu đang thay đổi trước mắt chúng ta và con người có lẽ chỉ có một khoảng thời gian ngắn để ngăn chặn "hiểm họa" này khỏi tồi tệ hơn".
Dự đoán tác động của "Quái vật từ phía Đông"
Theo Trung tâm dự báo thời tiết quốc gia Met Office của Anh, "Quái vật từ phía Đông" sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lạnh giá tới châu Âu trong ít nhất là đến cuối tuần này.
Đặc biệt, vào ngày 1/3 (thứ Năm), nhiệt độ ban đêm có thể giảm thấp tới -15 độ C ở nhiều nơi thuộc nước Anh.
"Quái vật từ phía Đông" sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng ít nhất là đến cuối tuần này. Ảnh: iTV
Becky Mitchell, một nhà khí tượng học của Met Office, cho biết, đây có thể là đợt lạnh nhất của nhiều khu vực tại Anh kể từ tháng 3/2013.
Kết hợp ảnh hưởng của "Quái vật từ phía Đông", nước Anh có thể sẽ chuẩn bị phải đón chào một cơn bão có tên là Emma vào ngày 1/3, kéo theo mưa tuyết và gió rét.
Bài viết tham khảo các nguồn: Dailymail, iTV, Met Office, Theguardian
Theo Helino