Từ đầu tháng 8, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp có các động thái cho thấy chiến tranh thương mại đang leo thang. Tổng thống Mỹ Trump ngày 1/8 tuyên bố áp mức thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ bốn ngày sau liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ vì hạ tỷ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ.
Chia sẻ với VnExpress về tác động của chiến tranh thương mại, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ, cho hay các động thái mới của Washington và Bắc Kinh thể hiện mức độ leo thang "hết sức nghiêm trọng". Tăng trưởng kinh tế của Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm mạnh và sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của toàn cầu. Thị trường chứng khoán của các nước lớn trên thế giới đã mất đi khoảng 3% chỉ trong vài ngày sau khi hai nước có những đòn trả đũa mới. Các ngân hàng nhà nước trên thế giới cũng hạ lãi suất để giữ cho các nền kinh tế của nước họ khỏi bị suy thoái.
Tổng thống Mỹ Trump, trái, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Osaka, Nhật Bản tháng 6/2019. Ảnh: AP.
Tiến sĩ MacDonald, chuyên gia kinh tế trưởng của tổ chức tư vấn Smith’s Research and Gradings, Mỹ, một trong những nhà phân tích hàng đầu ở Phố Wall, cũng khẳng định chiến tranh thương mại tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các tổ chức như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đều hạ dự báo tăng trưởng của năm 2019. Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đều có nguy cơ suy giảm tăng trưởng.
"Chiến tranh thương mại sẽ đẩy Mỹ - Trung vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới, tiềm ẩn nguy cơ tạo nên xung đột ở một số nơi như Biển Đông, Đài Loan, Iran và vịnh Ba Tư", MacDonald nói.
Chuyên gia này cho rằng tác động mới nhất đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, là cuộc chạy đua của các ngân hàng trung ương trong việc giảm lãi suất nhằm giảm giá trị đồng tiền, để giúp củng cố vị thế thương mại của mình.
"Cuộc chạy đua giảm lãi suất cho thấy hầu hết các nước đang phát triển và cả các nước phát triển đều đang bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc", MacDonald nói.
Ngoài ra, chuỗi cung ứng toàn cầu, mà Trung Quốc ở trung tâm, bị đổ vỡ. Chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị chia thành hai chuỗi cung ứng tách biệt, hoặc ủng hộ Mỹ hoặc ủng hộ Trung Quốc.
Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại hàng hóa (trung bình xuất khẩu và nhập khẩu) của Trung Quốc trong 2017 chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các nước thành viên của WTO, 11,5%. Trong khi đó, các nước thành viên của WTO chiếm đến 98% thương mại hàng hóa toàn cầu. Hồi đầu năm 2018, Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định Trung Quốc là trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, là thỏi nam châm hút hàng xuất khẩu của nước khác và là nguồn cung quan trọng cho nhu cầu của các đối tác.
Riêng với Việt Nam, MacDonald lưu ý khi mở cửa đón các doanh nghiệp Mỹ rút khỏi Trung Quốc, Hà Nội nên thận trọng theo dõi phản ứng của Washington.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine, Mỹ, cũng cảnh báo nguy cơ Việt Nam có thể trở thành "mục tiêu tiếp theo" của Mỹ nếu Tổng thống Trump không ép được Trung Quốc nhượng bộ. Do đó Việt Nam nên xử lý mạnh các vụ hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt để xuất sang Mỹ.
Dự báo về diễn biến sắp tới, giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng chiến tranh thương mại có thể kéo dài đến cuối năm 2020. Nếu Trung Quốc vẫn có các biện pháp trả đũa Mỹ như hiện nay, Tổng thống Mỹ Trump khó có thể nhượng bộ. Bắc Kinh cũng không dễ thoái lui vì có những khó khăn nội bộ.
Phó giáo sư Salvatore Babones, Đại học Sydney, Australia, cho rằng Trung Quốc sẽ chờ đến sau bầu cử Mỹ mới đưa ra một quyết định về chiến tranh thương mại. Nếu Trump không tái đắc cử, Trung Quốc có thể kỳ vọng Mỹ sẽ chấm dứt xung đột. Nhưng đến lúc đó, kinh tế Trung Quốc có nguy cơ bị huỷ hoại nặng nề.
Giáo sư Karaagac, Đại học Indiana, Mỹ đánh giá xung đột Mỹ - Trung sẽ có những tác động lớn hơn mà không bên nào, Mỹ hay Trung Quốc, có thể kiểm soát hoàn toàn được và khó có thể biết khi nào chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ chấm dứt.
"Nó có nguy cơ gia tăng dần lên", ông nói.
Một số cố vấn của Trump muốn Mỹ "tách" khỏi Trung Quốc, trong khi một số khác muốn Tổng thống không "đi quá" vì không rõ mọi việc sẽ đi đến đâu. Tuy nhiên Karaagac nhận định Trump sẽ kiên quyết, thể hiện một "Trump trọn vẹn, đi đến cùng".
Về phía mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng không thể nhượng bộ, dù những thay đổi về thuế và hạ giá đồng tiền sẽ có những tác động mang tính hệ thống. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, biểu tình ở Hong Kong cũng là một vấn đề đau đầu của chính quyền.
"Nhu cầu thể hiện Trung Quốc không mất mặt trước Mỹ sẽ khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn", Karaagac nói.
Việt Anh
VnExpress