Trung tâm bảo dưỡng tàu cao tốc ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Trung Quốc là nước có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới nhưng Nhật mới là nước phát minh ra đường sắt cao tốc ẢNH: REUTERS
Tờ South China Morning Post ngày 15.8 cho biết trong một bài báo đăng vào cuối tuần trước, hãng tin Tân Hoa xã đã so sánh Trung Quốc cổ đại với bốn phát minh quan trọng gồm la bàn, thuốc súng, giấy và kỹ thuật in ấn với Trung Quốc ngày nay.
Bài báo nói rằng Trung Quốc có thể tự hào với “bốn phát minh vĩ đại mới” mà Trung Quốc có được trong thời kỳ hiện đại gồm đường sắt cao tốc, thanh toán điện tử, dịch vụ dùng chung xe đạp và mua sắm trực tuyến.
Danh sách bốn phát minh này dựa trên một khảo sát của Viện Nghiên cứu Con đường tơ lụa (SRRI) ở Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (BFSU) được thực hiện vào hồi đầu năm.
SRRI đã yêu cầu các sinh viên nước ngoài đến từ 20 nước nằm dọc theo tuyến đường nằm trong Sáng kiến một vành đai, một con đường chọn ra bốn phát minh mới của Trung Quốc mà họ muốn đưa về ứng dụng và phát triển ở nước mình. Và họ đã chọn ra bốn phát minh trên.
Tuy nhiên, bài báo của Tân Hoa xã cũng thừa nhận:
“Trong bốn phát minh, đường sắt cao tốc và mua sắm trực tuyến không phải xuất phát từ Trung Quốc nhưng chúng ta đã đưa các phát minh này lên trình độ cao của thế giới bằng trí tuệ và sáng tạo của chúng ta và biến chúng trở thành thành tựu của Trung Quốc”.
Theo South China Morning Post, sự thật là không có phát minh nào trong bốn phát minh trên là của người Trung Quốc.
Đường sắt cao tốc hiện đại đầu tiên, hay còn gọi là Tokaido Shinkansen, vận hành ở Nhật vào năm 1964. Mỹ bắt đầu thử nghiệm các hệ thống thanh toán điện tử vào thập niên 1990.
Trong khi đó, dịch vụ dùng chung xe đạp có nguồn gốc từ châu Âu vào thập niên 1960.
Mua sắm trực tuyến trực tuyến xuất hiện khi Michael Aldrich, người Anh kết nối tivi với một máy tính bằng đường dây điện thoại để bán thực phẩm trực tuyến vào năm 1979.
Đài truyền hình CCTV bị nhiều người "ngạc nhiên' sau khi đăng thông tin khoe “bốn phát minh mới” của Trung Quốc trên Twitter vào hôm 12.8.
“Liệu Trung Quốc thậm chí có hiểu nghĩa của từ “phát minh”? Tất cả bốn phát minh này được được Trung Quốc bắt chước Nhật, Mỹ và các nước khác trên thế giới”, một người dùng Twitter viết.
Trong khi đó, những cư dân mạng xã hội Trung Quốc cũng tỏ hoài nghi độ tin cậy trong bài báo của truyền thông Trung Quốc về bốn phát minh này.
Nguồn: Ngự Bình - Báo Thanh Niên Online