Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ ngày 6/11 cho thấy đảng Cộng hòa vẫn giữ quyền kiểm soát Thượng viện trong khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Cả Thượng viện và Hạ viện đều đóng vai trò quan trọng tại quốc hội – cơ quan ra quyết sách lớn nhất của Mỹ – và việc thông qua các dự luật cần có sự phê chuẩn của hai viện.
Kết quả này sẽ tạo ra thách thức đáng kể cho Tổng thống Trump trong một số lĩnh vực như chi tiêu quân sự hay các thỏa thuận hợp tác làm ăn với nước ngoài, đồng thời khiến ông chủ Nhà Trắng gặp trở ngại hơn trong việc thông qua các dự luật quan trọng.
Tuy nhiên, các chính sách thương mại của Mỹ có thể không thay đổi nhiều. Giới chiến lược gia cho rằng quan điểm "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump sẽ không thể chệch hướng quá nhiều so với hiện tại, ngay cả khi đảng Dân chủ giành lại Hạ viện.
Theo các nhà phân tích tại RBC Capital Markets cho biết Quốc hội Mỹ không có nhiều quyền lực trong việc kiểm soát chính sách thương mại. Trong khi đó, phòng Bầu dục có quyền hành động đơn phương. Điều đó đồng nghĩa với tổng thống có thể tự xúc tiến kế hoạch thương mại.
Vì thế, Steven Okun, cố vấn cấp cao tại McLarty Associates cho rằng về chính sách thương mại, nhất là xung đột Mỹ – Trung, sẽ chẳng có gì thay đổi nếu không muốn nói là sẽ còn tệ hơn.
Hơn nữa, theo CNBC, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều được cho là ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với thương mại của Trung Quốc và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy, Tổng thống Trump có thể có được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong việc thúc Trung Quốc giảm thâm hụt song phương.
Theo David Adelman, cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore, đảng Dân chủ vốn có quan điểm bảo hộ hơn, trong khi đảng Cộng hòa cực kỳ cứng rắn với mọi vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Do đó, kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ không tác động đến các chính sách bảo hộ của ông Trump. Chỉ khi kinh tế Mỹ bắt đầu chịu tổn thương từ cuộc chiến thuế nhập khẩu, Quốc hội mới can thiệp vào động thái của Nhà Trắng.
Vỹ An (Tổng hợp)
Nguồn: ZING.vn