Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 14/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN.
Kể từ khi thế giới biết tới sự tồn tại của COVID-19 với những ca mắc đầu tiên được công bố tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc đầu năm nay, diễn biến dịch bệnh tại LB Nga đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm. Ngày 30/1, chỉ một ngày sau khi xác nhận trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại đất nước có diện tích lớn nhất thế giới này, LB Nga đã đóng cửa biên giới Viễn Đông với Trung Quốc.
Vài giờ sau đó, vận tải đường không và đường sắt với Trung Quốc bị hạn chế.
Vào tháng 2, khi dịch bùng phát mạnh tại Trung Quốc, Nga đã cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh, kiểm tra thân nhiệt ngẫu nhiễn công dân Trung Quốc đang ở Nga, rồi tiếp đó hạn chế người nhập cảnh từ các tâm dịch Hàn Quốc và Iran. Chính nhờ những biện pháp nhanh chóng đó, giai đoạn đầu LB Nga đã ngăn chặn thành công làn sóng COVID-19 tràn vào nước này từ phương Đông.
Tuy nhiên, là quốc gia Á-Âu, Nga lại không làm được như vậy với chủng virus mới từ phương Tây. Phải đến tận giữa tháng 3, Nga mới tiếp tục đưa ra các biện pháp hạn chế đi lại hàng không với châu Âu, khu vực sau đó trở thành tâm dịch COVID-19 mới. Ngay trước đó, hầu hết các trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tại LB Nga liên quan đến người về từ các nước châu Âu, đặc biệt là Italy.
Thời điểm tháng 3, hãng hàng không Aeroflot của Nga vẫn bay tới các thành phố lớn châu Âu, trong khi một số đã trở tâm dịch, như Milan của Italy. Cơ quan Quản lý hàng không LB Nga Rosaviasia cho biết trong giai đoạn từ ngày 20/3-26/4, có 172.199 công dân Nga đã quay trở lại nước này từ các vùng dịch.
Người dân đeo khẩu trang và găng tay phòng lây nhiễm COVID-19 khi đi tàu điện ngầm tại Moskva, Nga ngày 12/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN.
Một điểm rất quan trọng nữa là ý thức. Phần lớn người dân Nga, khi dịch bắt đầu bùng phát chỉ quan niệm đây là cúm mùa thông thường, chưa thực sự đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2. Chính vì vậy, tại các nơi công cộng vẫn có người không đảm bảo khoảng giãn cách khi tiếp xúc, không áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
LB Nga cũng áp dụng quy định điều trị tại nhà, tức là nếu bệnh nhân viêm phổi chưa sốt cao đến 38,5 độ C và chưa có biểu hiện nguy cấp thì được điều trị và theo dõi tại nhà. Biện pháp này giúp giảm tải bệnh nhân tại các bệnh viện, song nó gây ra nguy cơ cao lây nhiễm trong gia đình.
Một số chuyên gia đánh giá rằng cách làm này không đảm bảo cách ly triệt để người mắc bệnh, vì thế vẫn lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Điểm khác biệt văn hóa nữa là người Nga khá “dị ứng” với khẩu trang. Từ trước đến nay, họ quan niệm khẩu trang chỉ dành cho người mắc bệnh, phải đeo để hạn chế lây lan cho người khác. Chính vì vậy mà ngoài đường phố, trong cửa hàng, hay nơi công cộng vẫn có không ít người Nga không đeo khẩu trang hoặc đeo lấy lệ.
Phải đến ngày 12/5, thủ đô Moskva, nơi có số người mắc COVID-19 chiếm hơn một nửa cả nước, mới áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang và găng tay, điều mà tỉnh Moskva, địa phương có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ hai trong LB Nga, vừa ban hành trước đó. Những vấn đề này khiến cho nước Nga, dù ban bố lệnh cách ly cách đây hơn 1 tháng rưỡi, song đến nay số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ghi nhận mỗi ngày chưa giảm đáng kể.
Về kinh tế, đại dịch COVID-19 tác động nặng nề tới các chỉ số kinh tế của nước Nga. Lấy thủ đô Moskva làm ví dụ.
Do tình hình dịch bệnh phát triển phức tạp, đầu tàu kinh tế của nước Nga đã phải kéo dài quy định cách ly đến hết tháng 5, thay vì hết tháng 4 như dự kiến ban đầu. Cách ly và giãn cách xã hội làm đường phố thông thoáng, các phương tiện công cộng hầu như lác đác người đi trong khi bình thường có hàng triệu chiếc ô tô cá nhân và hàng triệu lượt người đi phương tiện công cộng. Đó là chưa kể tới các trung tâm thương mại, nhà hàng, quán ăn ở Moskva đều phải đóng cửa, chỉ trừ cửa hàng bán thực phẩm, thuốc, và các nhu yếu phẩm. Với một thành phố khổng lồ như Moskva, mỗi ngày cách ly, ngân sách thành phố thất thu không hề nhỏ.
Trong bối cảnh thu nhập ngân sách sụt giảm, Nga còn đối mặt với các khoản chi cho xã hội tăng khi thất nghiệp tăng đột biến cùng với việc đóng cửa các doanh nghiệp. Theo số liệu mới nhất, số người thất nghiệp đăng ký chính thức tại Nga đã lên tới 1,4 triệu, gấp đôi mức của đầu tháng 4.
Các chuyên gia dự đoán Nga có thể đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong một thế hệ, với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 15%, khiến 8 triệu người không có việc làm.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nga có thể giảm 5,5% trong năm nay do dịch COVID-19. Đây là mức suy thoái lớn nhất của nền kinh tế Nga kể từ năm 2009. Trong một phiên họp mới đây của Câu lạc bộ điều phối thuộc Hiệp hội Kinh tế tự do (VEO) Nga, các chuyên gia kinh tế Nga cho rằng quá trình phục hồi sau khủng hoảng dịch COVID-19 sẽ mất hơn một năm.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch VEO, Chủ tịch Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế (IMEMO) mang tên E.M. Primakov trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga (RAN), ông Alexander Dynkin lại đánh giá lạc quan rằng nhìn chung, Nga, so với các nền kinh tế lớn khác, ít nhiều sẵn sàng hơn trong đối phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Điều này là nhờ vào mức nợ công tối thiểu, ngân sách cân bằng, quỹ phúc lợi quốc gia, dự trữ ngoại hối và dự trữ vàng ấn tượng, hơn 500 tỷ USD.
Trong bối cảnh nhiều năm nay hứng chịu các biện pháp bao vây cấm vận của phương Tây, Chính phủ Nga, nền kinh tế Nga đã tự lực hơn. Nói cách khác, nước Nga cũng đã có kinh nghiệm trải qua những "cuộc thử lửa" cam go.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại ga tàu hỏa ở Moskva, Nga ngày 15/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN.
Cho đến nay, Nga đã công bố các biện pháp khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trị giá 2.000 tỷ rubble (26,9 tỷ USD).
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng công bố hàng loạt khoản hỗ trợ cho các hộ gia đình, gia đình nhiều trẻ em cũng như chương trình hỗ trợ vật chất cho các bà mẹ có con nhỏ, y, bác sĩ đang ở tuyến đầu chống đại dịch.
Sau thời gian áp dụng các biện pháp mạnh mẽ chống dịch, Nga đã bước vào giai đoạn đưa nền kinh tế trở lại với cuộc sống bình thường, song Tổng thống Putin cũng yêu cầu các chủ thể liên bang cần căn cứ vào tình hình thực tế để tự quyết định các bước nới lỏng. Ông khẳng định cách ly là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn COVID-19 và điều này không thể dỡ bỏ hoàn toàn một sớm một chiều.
Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng các biện pháp này đã làm chậm sự phát triển của dịch. Nhờ đó, nước Nga có thêm thời gian để nâng cao đáng kể khả năng chống dịch của toàn bộ hệ thống y tế, với số phòng bệnh cách ly chuyên dụng điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng từ 29.000 lên 130.000. Trang thiết bị y tế cũng được dự trữ đầy đủ, đặc biệt là máy thở nhân tạo, hầu như mọi chủ thể liên bang đều sẵn sàng trang thiết bị cần thiết để cứu chữa bệnh nhân nặng, kể cả hồi sức cấp cứu.
Một yếu tố khác là tăng cường xét nghiệm. Từ con số xét nghiệm xác định COVID-19 chỉ 2.500 đầu tháng 3, nay mỗi ngày Nga có thể thực hiện khoảng 170.000 xét nghiệm, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Kể từ ngày 15/5, thủ đô Moskva thực hiện xét nghiệm miễn phí cho người dân để nhanh chóng hơn nữa xác định các trường hợp nhiễm COVID-19. Xét nghiệm nhiều hơn sẽ giúp nhanh chóng phát hiện để chặn các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng nhanh hơn.
Một chỉ số ấn tượng nữa trong suốt giai đoạn dịch vừa qua là tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Nga thuộc mức thấp trên thế giới, chưa đầy 1% (2.722 ca tử vong trong số 290.678 ca nhiễm).
Bên cạnh đó, mặc dù thủ đô Moskva ghi nhận hơn 146.000 người nhiễm SARS-CoV-2, song tình hình đã ổn định do số bệnh nhân thể nặng phải nhập viện không tăng và thậm chí còn giảm. Tới nay trên toàn nước Nga đã có hơn 70.200 bệnh nhân bình phục được xuất viện.
Mặc dù chưa thể xác định đại dịch ở Nga đã đi được nửa chặng đường hay chưa, song những tín hiệu tích cực trên cũng đem lại niềm hy vọng rằng nước Nga có thể vượt qua được "cuộc thử lửa" lần này.
Duy Trinh (TTXVN)
Nguồn: baotintuc.vn