Tuyên bố đầy thách thức
Trong một tuyên bố hôm 12/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cam kết chuẩn bị thực hiện chiến dịch quân sự mới ở bờ Đông sông Euphrates, Syria nhằm chống lại các tay súng người Kurd do quân đội Mỹ hỗ trợ. Đây thực sự là lời cảnh báo bất ngờ với lực lượng Mỹ ở Syria.
Tổng thống Erdogan quả quyết rằng “mục tiêu của chúng tôi không bao giờ là lính Mỹ” nhưng ai biết điều gì sẽ xảy ra. “Chúng tôi sẽ bắt đầu chiến dịch dọn dẹp các tay súng khủng bố ở bờ Đông sông Euphrates trong một vài ngày tới. Mục tiêu của chúng tôi không bao giờ là lính Mỹ. Bước đi này sẽ cho phép chúng tôi tìm ra một giải pháp chính trị và mở đường cho sự hợp tác vững vàng hơn”, Tổng thống Erdogan cho biết vào hôm 12/12.
Thành viên của YPG do Mỹ hậu thuẫn tại Syria
Ankara và Washington đã đối đầu kịch liệt về vấn đề Syria, nơi quân đội Mỹ hỗ trợ lực lượng người Kurd chống lại nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd YPG là một tổ chức khủng bố, có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn đã chiến đấu đòi quyền tự chủ hàng chục năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara đã phát động chiến dịch quân sự nhằm vào các chiến binh người Kurd trong 2 năm qua nhưng đến nay, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới vươn tới bờ Đông sông Euphrates, một phần là do sợ đụng độ với lực lượng của Mỹ.
Tuyên bố của Tổng thống Erdogan được đưa ra sau khi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ mới có cuộc đối thoại với đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Syria Jim Jeffrey, người trước đó đã gặp gỡ các chiến binh người Kurd ở miền Bắc Syria.
Vào hôm 11/12, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã phản đối việc Mỹ thiết lập một số trạm quan sát ở Syria gần bờ Đông sông Euphrates nhằm mục đích bảo vệ các thành viên của lực lượng người Kurd.
Mỹ sẽ phải làm gì để đáp trả mối đe doạ từ Thổ Nhĩ Kỳ?
Lầu Năm Góc hôm 12/12 tuyên bố bất kỳ hành động đơn phương nào ở vùng Đông Bắc Syria đều là mối lo ngại nghiêm trọng và không thể chấp nhận được, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ tấn công khu vực này trong vài ngày tới.
“Hành động quân sự đơn phương ở vùng Đông Bắc Syria của bất kỳ bên nào, đặc biệt là khi nhân viên quân sự Mỹ có thể hiện diện gần đó, là mối quan ngại lớn. Chúng tôi coi bất kỳ hành động như vậy là không thể chấp nhận”, chỉ huy Sean Robertson, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cho biết trong một tuyên bố.
Ông Robertson nói rằng Mỹ cam kết đảm bảo an ninh ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuộc chiến chống IS chưa kết thúc và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) vẫn là một “đối tác cam kết” trong cuộc chiến chống nhóm phiến quân.
Có điều rõ ràng rằng mọi hành động thù địch chống lại các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đều dẫn đến sự phá huỷ lớn và ngay tức thì cho mối quan hệ Mỹ-Thổ.
Sự hợp tác mật thiết của YPG và lực lượng quân sự Mỹ ở các khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại cho thấy mọi hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đều có thể gây hại quân nhân Mỹ. Đó chính là lý do Thổ Nhĩ Kỳ đã rào trước về những nguy cơ lính Mỹ bị thương với lập luận rằng bất cứ sự tổn hại nào đến binh lính Mỹ trong cuộc xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ đều đơn giản chỉ là tai nạn.
Hẳn nhiên Mỹ không bao giờ tha thứ cho những “tai nạn” ấy từ phía Thổ Nhĩ Kỳ mà sẽ buộc nước này phải gánh trách nhiệm. Những hành động mà phía Thổ Nhĩ Kỳ gây ra đều có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt nặng.
Nga muốn Mỹ rút quân khỏi Syria và Moscow muốn hợp tác sâu rộng với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tấn công vào Idlib để giải phóng vùng duy nhất còn lại ở Syria vẫn thuộc quyền kiểm soát của khủng bố. Vì lẽ đó nên một mặt nào đó Nga luôn đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Và cuộc đấu trí với Thổ Nhĩ Kỳ bởi vậy không bao giờ là chuyện giản đơn với Mỹ.
Nguồn: Người đưa tin