Mục tiêu phát triển là trở thành đất nước tốt đẹp và hạnh phúc hơn
New Zealand được tạp chí uy tín Times bình chọn là đất nước văn minh và thân thiện nhất thế giới. Đây cũng là đất nước xếp thứ 4 trong mục “khoan dung và chấp nhận” nhờ chủ trương nhập cư rộng rãi, khoan dung tôn giáo, giúp quốc gia này được xem là đất nước giàu lòng vị tha nhất thế giới.
Ngày 16 tháng 11 năm 2018, thủ đô của đất nước New Zealand đã tổ chức Ngày Manaaki đầu tiên. Manaaki là ngôn ngữ Maori – một loại ngôn ngữ gốc của New Zealand, có ý nghĩa tượng trưng cho lòng tốt. Ý tưởng này xuất phát từ đề xuất của một cậu bé tên là Eddie, nhằm cải thiện phúc lợi xã hội của công dân, khuyến khích và tổ chức các hoạt động từ thiện chẳng hạn như mua đồ chơi cho các em nhỏ bất hạnh.
Cậu bé Eddie Writes 6 tuổi cho rằng thế giới này cần hơn một chút lòng tử tế, và cậu đã làm điều duy nhất mà cậu nghĩ sẽ hiệu quả, đó là viết thư cho thị trưởng thành phố của mình để yêu cầu được giúp đỡ vào Ngày Tử Tế hàng năm. Điều gây ngạc nhiên cho Eddie là Thị trưởng thành phố Wellington, ông Justin Lester đã viết trả lời cậu.
Mẹ của Eddie, nhà văn kiêm nhà nữ quyền Emily Writes đã nói: “Tôi rất vui khi thấy có một sự thay đổi trong chính trị ở New Zealand, tôi hy vọng chính quyền sẽ tập trung nhiều hơn vào việc lắng nghe. Chính trị nên là tất cả những gì thuộc về sự tử tế. Bạn không nên trở thành một chính trị gia chỉ vì tiền, quyền lực hay đặc quyền nào đó, mà bởi vì bạn đã có một ước mơ từ thời thơ ấu, về việc bạn có thể cùng với những người khác thay đổi thế giới của chúng ta tốt đẹp hơn”.
Thủ tướng Jacinda Ardern, người tự xem mình là “một phụ huynh mới”, đã tiên phong trong việc lãnh đạo làn sóng chính trị tiến bộ ở New Zealand khi lấy trẻ em làm trung tâm. Bà Ardern đã nhận được những tràng pháo tay như sấm tại Liên Hợp Quốc cho bài phát biểu kêu gọi lòng tốt và sự hợp tác từ các nhà lãnh đạo thế giới. Được sự ủng hộ của người bạn đời và cô con gái 4 tháng tuổi của mình, Ardern cam kết đất nước New Zealand sẽ là “một quốc gia tốt bụng và công bằng, nơi sự phát triển và thành công của trẻ em không chỉ được đo bằng chỉ số GDP của quốc gia mà còn bởi cuộc sống tốt hơn của người dân”.
Lời kêu gọi của bà Ardern đối với việc phát triển loại hình kinh tế khác biệt này được nhiều nhà bình luận xem là sự phản đối trực tiếp đối với xu hướng lãnh đạo bằng vũ lực, chuyên chế, độc đoán ở một số quốc gia khác.
Các chính sách tích cực về xã hội và môi trường của New Zealand được ban hành, biến nơi này thành quốc gia đầu tiên trên thế giới trao cho một số phụ nữ quyền ứng cử, xem trọng lợi ích của công dân, đặc biệt là lợi ích cho trẻ nhỏ và gia đình. Những nhân viên trở thành cha mẹ sẽ có chế độ nghỉ phép gia đình có lương 22 tuần/ năm, và sẽ tăng lên thành 26 tuần vào năm 2020.
Các gia đình có em bé sinh sau ngày 1 tháng 7 năm 2018 sẽ nhận được khoản tiền tương đương 40 đô la/tuần trong năm đầu tiên của đứa trẻ. Chính sách này được xem là gần với tình cảm của thủ tướng Ardern, khi cô là nhà lãnh đạo thế giới thứ hai trong lịch sử sinh con khi còn đương chức, và đã nghỉ sáu tuần khi con gái Neve Te Aroha chào đời.
Ngoài ra, còn có một luật mới cho phép nạn nhân của việc bạo lực gia đình phải được nghỉ phép tối đa 10 ngày, ngoài các quyền lợi nghỉ phép hàng năm và nghỉ ốm, để giúp họ thoát khỏi tình trạng bị lạm dụng, di dời chỗ ở và bảo vệ con cái.
Thủ tướng Ardern cũng nhắm đến các vấn đề về khả năng chi trả cho nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của New Zealand. Thị trường nhà đất đang nóng lên, với giá nhà tăng hơn 60% trong một thập kỷ qua và tăng gần gấp đôi tại thành phố lớn nhất Auckland. Chính phủ đã khắc phục với một đạo luật cấm người mua nước ngoài mua tài sản hiện có, đồng thời đưa ra kế hoạch mới được gọi là KiwiBuild, về việc chính phủ sẽ xây dựng 100.000 căn nhà ở xã hội trong thập kỷ tới và sẽ được bán với giá thấp.
Chính phủ New Zealand cũng tạo dấu ấn về biến đổi khí hậu. Một trong các chính sách môi trường mới nhất là lệnh cấm khai thác dầu khí và khí ga ngoài khơi mới, cũng như lên kế hoạch tạo ra 100% năng lượng từ năng lượng tái tạo, như một phần của mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tất cả các chính sách này đều phù hợp với cam kết của chính phủ về việc tuân theo các nguyên tắc bảo vệ môi trường và sức khỏe, thể hiện thước đo thành công trong tiến trình phát triển bền vững.
Một quốc gia cam kết bảo vệ môi trường vì sức khỏe của người dân
Nhà nghiên cứu chính sách công của New Zealand, bà Jess Berentson-Shaw chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng theo bản năng, tất cả chúng ta đều cảm thấy rằng tiền không phải là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Mặc dù tiền có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề, nhưng sự giàu có quá mức bắt đầu làm suy yếu hạnh phúc của các công dân một quốc gia”.
Bà nhấn mạnh thêm: “Cách dễ thấy nhất là khi bạn lạm dụng nguồn tài nguyên từ môi trường trong một thời gian dài để tạo ra sự giàu có, điều này dẫn đến nhiều tác hại đến mức nó làm suy yếu bất kỳ lợi ích nào. Nói cách khác, sự giàu có bắt đầu tiêu diệt chúng ta và gây ảnh hưởng đến nhiều thứ quan trọng hơn. Do đó, việc thay đổi chỉ số đo lường từ GDP sang một thứ gì đó khác hơn là tín hiệu tích cực và quan trọng”.
New Zealand vẫn có những thách thức về xã hội và môi trường, có tỷ lệ bạo lực gia đình và hay lạm dụng bạn tình thuộc loại tồi tệ nhất trên thế giới. Có hơn 40.000 trẻ em phải nhập viện mỗi năm với các vấn đề sức khỏe bắt nguồn từ những ngôi nhà ẩm ướt, hôi mốc. Đất nước này cũng không có hồ sơ theo dõi môi trường tốt nhất, năm 2018 nơi đây bị mệnh danh là một trong những quốc gia lãng phí nhất trong thế giới phát triển.
Bà Catherine Leining, thành viên của tổ chức kinh tế và nghiên cứu chính sách công Moto – một tổ chức phi lợi nhuận độc lập, cho biết: “Chúng tôi chắc chắn thể hiện vai trò lãnh đạo ở đây. Chính phủ hiện tại đang thực sự nỗ lực để đạt được sự đồng thuận giữa các bên về định hướng dài hạn của chính sách biến đổi khí hậu, và nếu có thể áp dụng điều đó thì nên chuyển đổi theo cách ổn định lâu dài, rằng các doanh nghiệp cần đầu tư vào sản xuất với lượng thấp chất thải công nghiệp”.
Mặc dù những vướng mắc vẫn còn và New Zealand phải đối mặt với tốc độ thay đổi quá chậm này, thủ tướng Ardern thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Sự chuyển đổi phải mất một chút thời gian. Nếu có một thứ gì đó đáng để học hỏi, thì tôi đã phải vật lộn với nó, đó là thời gian cần thiết để cho phép mọi thứ diễn ra”.
Kế hoạch lớn tiếp theo của New Zealand sẽ dành cho việc giảng dạy bắt buộc ngôn ngữ bản địa Maori trong các trường học. Bà Marama Davidson, người đồng lãnh đạo Đảng Greens NZ cho biết: “Không có sự biểu thị nào cho một xã hội tiến bộ hơn là một xã hội thực sự trân trọng ngôn ngữ bản địa của mình”.
Dù dành được nhiều lời khen ngợi quốc tế dành cho chính quyền đương nhiệm, bà Davidson xác định rằng New Zealand chỉ đơn giản là một quốc gia nhỏ bé muốn tránh xa những rắc rối của thế giới, nơi mọi người muốn thoát khỏi các tiêu cực xã hội và là nơi các tỷ phú công nghệ nổi tiếng nhất tìm kiếm nơi ẩn náu “ngày tận thế”.
Bà nói: “Tôi hy vọng những gì chúng tôi làm thể hiện sự lãnh đạo tích cực, quan trọng hơn là hỗ trợ các phong trào tiến bộ xã hội trên khắp thế giới”.
Lake Wanaka, New Zealand buổi sáng
Vào cuối tháng 9 năm 2018, tàu Greenpeace Rainbow Warrior III đã cập cảng thành phố Dunedin trong chuyến tham quan New Zealand. Nhóm thủy thủ quốc tế đã ca ngợi cam kết của chính phủ New Zealand trong việc chấm dứt hoạt động khai thác dầu ngoài khơi và khuyến khích các giải pháp thay thế năng lượng sạch. Tất cả đều xúc động khi nghĩ đến sự thay đổi khí hậu trong một thế giới không hạt nhân.
Giám đốc điều hành của Greenpeace NZ, ông Russel Norman nói rằng: “Điều tốt nhất về New Zealand chính là chính trị, nơi đây đã mang đến hy vọng cho thế giới rằng các chính trị gia sẽ thực sự lắng nghe nguyện vọng của người dân. Những gì thủ tướng Ardern và đất nước New Zealand đang hướng tới sẽ thay đổi tiến trình lịch sử của đất nước này, và hy vọng rằng của toàn thế giới, từ đây và mãi mãi”.
Tâm An
DKN.tv