Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước gợi ý ông sẽ nới lỏng một số giới hạn đang áp đặt lên Huawei, đây được coi là "con đường sống" đối với tập đoàn viễn thông Trung Quốc đang chật vật đối phó với áp lực từ Mỹ. Nhưng nhiều ngày sau, những câu hỏi liên quan tới phát ngôn này vẫn chưa có lời giải đáp.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, Trump cho biết ông sẽ cho phép các công ty Mỹ bán hàng trở lại cho Huawei, miễn là sản phẩm không đe dọa an ninh quốc gia.
Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, một khách hàng quan trọng với các công ty Mỹ. Họ cũng là công ty dẫn đầu trong nỗ lực của Trung Quốc bao phủ mạng viễn thông 5G trên toàn cầu. Mỹ coi đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Thông báo từ Tổng thống Trump được đưa ra sau khi nhiều công ty Mỹ cảnh báo rằng lệnh cấm với Huawei làm tổn hại đến lợi nhuận của họ và Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ về vấn đề Huawei trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Nhưng từ đó tới nay, chính quyền Trump không cung cấp thêm chi tiết về những bước đi tiếp theo Mỹ dự định thực hiện với Huawei. Bộ Thương mại Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận và chưa đưa ra hướng dẫn bổ sung về tuyên bố của Tổng thống Trump. Các công ty Mỹ đang chờ đợi một câu trả lời rõ ràng về việc họ có thể nối lại việc làm ăn trị giá nhiều tỷ USD với Huawei khi nào và ra sao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Một câu hỏi khác vẫn còn bỏ ngỏ là liệu động thái nới lỏng hạn chế với Huawei có đủ sức nặng để thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại với Mỹ hay không. Trump nói ông sẽ đợi đến khi kết thúc quá trình đàm phán rồi mới cân nhắc việc áp dụng các biện pháp nhượng bộ bổ sung với Huawei, thậm chí giữa những lo ngại về an ninh đang hiện hữu.
Những ngày qua, các quan chức Nhà Trắng liên tục lưu ý tới một thực tế là bình luận của Trump ở G20 không thể thay thế cho các quy định của luật pháp Mỹ. Do Huawei vẫn nằm trong "danh sách đen" của Bộ Tài chính Mỹ, theo luật, các công ty Mỹ vẫn phải xin giấy phép của chính phủ nếu muốn bán hàng cho họ.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow hôm 30/6 cho hay Huawei vẫn sẽ có tên trong "danh sách đen", nhưng Bộ Thương mại Mỹ có thể "rộng tay hơn" trong việc cấp giấy phép cho các công ty làm ăn với tập đoàn này.
Hiện chưa rõ mặt hàng nào sẽ được và không được bán trở lại cho Huawei, nhưng giới chuyên gia dự đoán Mỹ có thể cho phép bán lại các linh kiện điện thoại di động và thiết bị 4G cho Huawei, trong khi các thiết bị dùng cho mạng 5G vẫn sẽ bị cấm.
Nhà Trắng muốn hạn chế sự tham gia của Huawei trong quá trình phát triển mạng 5G vì quan ngại rằng chính quyền Trung Quốc có thể lợi dụng những thiết bị Huawei để do thám các nước khác. Huawei bác bỏ cáo buộc này.
Theo Michael Wessel, ủy viên Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung, nếu Bộ Thương mại Mỹ cho phép Huawei được mua thiết bị 5G, nó sẽ xung đột với mục tiêu ban đầu của chính quyền Trump khi ban bố lệnh cấm.
"Với Trump, đây là nghệ thuật kinh doanh, nhưng lại là sự kết hợp không phù hợp giữa hai mục tiêu chính sách khác nhau: Thương mại và an ninh quốc gia", Wessel bình luận.
Chưa rõ bao giờ giấy phép bán hàng cho Huawei sẽ được cấp. Trong lúc đó, các công ty Mỹ đã tìm ra cách để né lệnh cấm: Bán cho Huawei những sản phẩm được chế tạo bên ngoài nước Mỹ, hành động về mặt kỹ thuật không vi phạm lệnh cấm của chính quyền Trump.
Huawei hiện phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm từ Mỹ, đặc biệt là về linh kiện và công nghệ cho điện thoại di động, một trong những nguồn thu chính đóng góp vào 104 tỷ USD lợi nhuận của công ty năm 2018. Lệnh cấm của chính quyền Trump đã khiến doanh số bán điện thoại di động ở nước ngoài của Huawei giảm 40%.
Nếu việc hợp tác với các công ty Mỹ như Google và Intel được nối lại, Huawei sẽ có khả năng hồi phục. Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn tiếp tục gây sức ép lên nỗ lực xây dựng mạng 5G của Huawei cũng sẽ mang đến những ảnh hưởng tiêu cực cho công ty. Huawei hôm 2/7 tuyên bố họ sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn nào sau thông báo của Tổng thống Trump.
"Tuyên bố từ Tổng thống Trump tốt với các công ty Mỹ. Huawei cũng sẵn sàng tiếp tục mua sản phẩm từ các công ty Mỹ", nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi chia sẻ với Financial Times. "Nhưng chúng tôi không thấy có nhiều tác động tới những gì chúng tôi đang làm. Chúng tôi vẫn sẽ chỉ tập trung làm đúng công việc của mình".
Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Ảnh: Asahi Shimbun. |
Giới chức Mỹ nhiều năm qua lo ngại Huawei là một mối đe dọa an ninh. Họ đặc biệt lo sợ việc tập đoàn viễn thông Trung Quốc tham gia vào quá trình phát triển mạng 5G bởi mạng di động này được kỳ vọng là chìa khóa giúp thúc đẩy những tiến bộ công nghệ quan trọng như xe tự lái hay thành phố thông minh. Washington đồng thời cáo buộc Huawei ăn cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ song họ khăng khăng bác bỏ.
Sau khi Trump thông báo về nhượng bộ với Huawei, các nghị sĩ từ cả lưỡng đảng Mỹ đã chỉ trích ông vì chấp nhận đánh đổi an ninh quốc gia lấy một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
"Nếu Tổng thống Trump đồng ý đảo ngược những biện pháp trừng phạt hiện nay nhắm vào Huawei, ông ấy sẽ phạm sai lầm thảm khốc", thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio viết trên Twitter. "Nó sẽ khiến những cảnh báo trước đây của chính quyền đối với công ty Trung Quốc mất đi tính tin cậy và từ nay về sau, sẽ không ai còn tin tưởng họ nữa".
Song các quan chức chính quyền Trump vẫn cam kết sẽ giải quyết những mối lo ngại về an ninh quốc gia. Bản thân ông chủ Nhà Trắng cũng cho hay chỉ chấp thuận bán cho Huawei các sản phẩm phổ thông, không tạo ra rủi ro an ninh quốc gia.
Theo Scott Kennedy, cố vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), động thái của Tổng thống Trump dường như cho thấy chính quyền Mỹ đang muốn chĩa mũi nhọn vào công nghệ 5G, thứ mà họ coi là tiềm ẩn rủi ro lớn nhất.
"Có lẽ họ không còn tập trung vào việc kiềm chế khả năng kinh doanh cũng như làm tổn hại lợi nhuận của Huawei nữa mà giờ đây chuyển hẳn sang giới hạn công nghệ 5G", Kennedy nói. "Nhưng liệu chính quyền có thể xác nhận điều này không? Và liệu họ có chiến lược dài hạn nào để đạt được mục đích đó không?"
Nguồn: VnExpress.net