Nguyên tắc: ép; phương châm: doạ
Dư âm của việc Mỹ tại hai diễn đàn đồng thời diễn ra ở châu Âu thúc ép EU cũng ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran như Mỹ vẫn còn chưa nguôi, thì Mỹ đã lại tiếp tục làm găng thêm với EU.
Bộ thương mại Mỹ khuyến nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với xe ô tô của EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ông Trump có thời gian 90 ngày để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng.
Cứ xem cách thức cầm quyền cho tới nay của ông Trump ở Mỹ thì chắc chắn ông Trump sẽ làm theo khuyến nghị của Bộ thương mại Mỹ, bởi ông Trump chưa khi nào quyết định khác với khuyến nghị của Bộ thương mại và không có cái gì làm người này hứng thú và thích thú hơn ngoài việc thực thi những biện pháp bảo hộ mậu dịch.
Gần như ngay sau đó, ông Trump tuyên cáo là nếu các nước thành viên EU không chịu nhận trở lại những chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) vốn là công dân của các nước thành viên EU bị Mỹ bắt giữ – khoảng 800 người – thì Mỹ sẽ thả họ và mặc kệ chuyện những người này dần hồi hương và trở thành rủi ro, nguy cơ và thách thức an ninh đối với EU ở chính trên châu Âu.
Như thế, Mỹ trút bỏ được gánh nặng nhưng đâu có khác gì xuất khẩu khủng bố sang EU. “Nước Mỹ trước hết” thể hiện ở đấy. Xử lý quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại trên thế mạnh thể hiện qua đó.
Nguyên tắc trong chính sách cầm quyền của ông Trump là gia tăng áp lực tối đa cho tới khi đối phương và đối thủ chịu thua, và phương châm hành động của người này là duy trì dọa dẫm đến khi đối thủ và đối phương chịu khuất phục nghe theo.
Tất cả đều có tính hệ thống và được mưu sự hết sức bài bản, chứ không phải ô hợp những quyết sách ngẫu hứng đối với ông Trump.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống nước Mỹ này, ông Trump đã bộc lộ là không chỉ coi thường và sẵn sàng bất chấp EU, mà còn có chủ ý bắt EU phải khuất phục, phải chịu phục tùng và rồi phải phục vụ cho lợi ích của Mỹ.
Tất cả mọi phát biểu của ông Trump về EU và quan hệ giữa Mỹ với EU, cũng như mọi quyết sách của ông Trump liên quan đến EU và quan hệ của Mỹ với EU đều nhất quán theo hướng Mỹ muốn gì thì EU phải đáp ứng, nếu không thì Mỹ sẽ hành động theo hướng mà Mỹ cho rằng có lợi nhất cho Mỹ, bất kể như thế có lợi hay hại và hại bao nhiêu đối với EU, về đối ngoại cũng như an ninh, chính trị thế giới cũng như chính trị châu lục, về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại cũng như hoạt động đầu tư.
Điều EU phải thấy là về đối nội ông Trump cũng có cách thức cầm quyền như thế.
Việc để cho chính phủ bị đóng cửa trong thời gian dài kỷ lục và việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở vùng biên giới của Mỹ với Mexico để xây dựng bằng được và bằng mọi giá bức tường phân chia biên giới giữa Mỹ và Mexico là bằng chứng mới đây nhất và rõ nét nhất.
Vì ông Trump dùng đối ngoại để phục vụ đối nội nên EU không thể mong chờ được là ông Trump sẽ thay đổi quan điểm thái độ đối với EU, và cách thức đối xử EU trong thời gian tới.
Trái lại, để duy trì cơ hội được tái đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống tới ở nước Mỹ, ông Trump chắc chắn sẽ còn quyết liệt và không khoan nhượng hơn nữa với việc thực hiện nguyên tắc và vận dụng phương châm nói trên.
Trật tự hay vô trật tự?
Qua thực trạng và triển vọng của mối quan hệ giữa Mỹ và EU có thể rút ra được những nhận thức sau liên quan đến cục diện quan hệ quốc tế và trật tự thế giới trong thời gian tới.
Thứ nhất, mối quan hệ của Mỹ với tất cả các đối tác trên thế giới, bất kể với bạn hay thù, bất kể lâu nay thân thiết hay đối địch, đều có thể thay đổi nhanh chóng và cơ bản, đều có thể bị rung chuyển tận gốc rễ hay được kiến tạo mới.
Trong tất cả các mối quan hệ này, chính quyền của ông Trump cho thấy không để bị ràng buộc vào mức độ và bản chất của mối quan hệ đã có cho tới nay. Bằng chứng rõ nhất là sự đảo chiều trong quan hệ của Mỹ với EU và với Triều Tiên.
Thứ hai, Mỹ định ra và áp dụng tiêu chí riêng cho việc định hình lại quan hệ của Mỹ với tất cả các đối tác. Càng gần tới thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống tới ở Mỹ, khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trước hết” càng được ông Trump thể hiện cụ thể trong đối nội cũng như đối ngoại và càng chi phối chính sách đối ngoại của ông Trump.
Thứ ba, khái niệm “trật tự thế giới” theo cách hiểu lâu nay với nội hàm được mặc định chung lâu nay không đóng vai trò nổi bật gì trong hệ thống chính sách của ông Trump.
Nếu có thì đấy chỉ là trật tự quyền lực giữa Mỹ và tất cả các đối tác khác theo cách sắp xếp có lợi và không có lợi cho Mỹ, có thể lợi dụng và phải đối phó trong từng lĩnh vực chính sách và vào từng thời điểm.
Nói theo cách khác, nếu không có được “trật tự thế giới có lợi cho Mỹ” thì ông Trump sẽ nhằm vào duy trì tình trạng “vô trật tự” trên thế giới.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.
Đại sứ Trần Đức Mậu