Ở các nước, vấn đề giới hạn nhiệm kỳ các nhà lãnh đạo vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng cốt lõi là câu chuyện kiểm soát quyền lực.
Trong khi ở những nước như Mexio hay Paraguay, lãnh đạo đất nước là tổng thống bị giới hạn chỉ một nhiệm kỳ thì ở châu Âu, bà Angela Merkel lại sắp lần thứ tư liên tiếp trở thành người lãnh đạo chính phủ và lèo lái đất nước.
Thay đổi để đổi mới
Khi những chính phủ độc tài ở khu vực Mỹ La tinh sụp đổ vào giai đoạn thập niên 1970 và 1980, chẳng hạn như nhà cựu độc tài Augusto Pinochet của Chile hay các chính quyền dựng nên bằng đảo chính quân sự ở Argentina, đa số các quốc gia này đều bổ sung vào hiến pháp các điều khoản hạn chế tổng thống chỉ được giữ một nhiệm kỳ.
Tờ National Reviewcủa Mỹ đánh giá dù tình trạng tham nhũng vẫn tồn tại trên chính trường Mỹ La tinh, những điều khoản này đã phần nào giúp ngăn cản tình trạng níu kéo quyền lãnh đạo của những chính phủ trì trệ.
Tại Argentina, cựu Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner cũng từng nỗ lực xóa bỏ hạn chế về nhiệm kỳ trong hiến pháp nhưng bất thành. Cuối cùng bà vẫn phải kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2015.
Người kế nhiệm của bà Mauricio Macri, một người theo chủ trương cải cách, đã và đang nỗ lực “dọn dẹp” những hệ quả từ chính sách kinh tế còn nhiều bất cập của bà Kirchner.
Cuối năm 2017, ông Marci đã giành được mức ủng hộ cao đối với làn gió mới cải cách. Còn ở Paraguay, Tổng thống Horacio Cartes cũng phải từ bỏ nỗ lực thuyết phục Quốc hội cho phép ông tái tranh cử sau khi những cuộc biểu tình phản đối vào tháng 4-2017 leo thang thành bạo động.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) có khả năng rất cao sẽ có nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp. Nước Đức không có giới hạn nhiệm kỳ cho lãnh đạo chính phủ. Ảnh: AFP
Còn ở Ecuador, vị tổng thống mang cái tên đặc biệt Lenin Moreno cũng đã tổ chức trưng cầu dân ý toàn quốc để khôi phục điều khoản hạn chế nhiệm kỳ tổng thống từng bị bãi bỏ dưới thời người tiền nhiệm Rafael Correa.
Đương kim tổng thống Ecuador là một người cánh tả, là tổng thống đầu tiên của Ecuador… ngồi xe lăn vì viên đạn hiểm ác găm vào cột sống sau một vụ cướp và cái tên đặc biệt của ông được chính cha mình đặt cho vì ngưỡng mộ lãnh tụ cách mạng Nga Vladimir Ilyich Lenin, theo AFP.
Phát biểu trước sóng truyền hình toàn quốc, ông Moreno khẳng định:
“Tôi tin tưởng rằng việc luân chuyển sẽ mở rộng quyền được tham gia vào chính trị, củng cố trách nhiệm và đảm bảo dân chủ”.
Hiện có 14 nước ở khu vực Mỹ La tinh có điều khoản hạn chế nhiệm kỳ đối với tổng thống. Bốn nước cho phép các nhà lãnh đạo có hơn một nhiệm kỳ, bảy nước khác cho phép các tổng thống tái đắc cử sau khi chờ một nhiệm kỳ. Chỉ có ba nước là Mexico, Guatemala và Paraguay là giữ nguyên tắc tổng thống chỉ giữ một nhiệm kỳ.
Vẫn còn không ít tranh cãi xoay quanh vấn đề giới hạn nhiệm kỳ tổng thống ở các nước Mỹ La tinh.
Nhiều chính trị gia cho rằng những công cuộc cải cách sẽ cần nhiều hơn một nhiệm kỳ để thật sự gặt hái thành công, vì thế cần một sự ổn định tuyến tính về chính trị.
Cố lãnh đạo phong trào cánh tả Venezuela Hugo Chavez vào năm 2009 đã tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, bảo vệ các thành quả của cải cách.
Ở Nicaragua, Honduras và Guyana, các tòa án tối cao đã tuyên bố giới hạn nhiệm kỳ tổng thống là không đúng với hiến pháp. Tòa án tối cao Bolivia vào cuối năm 2017 cũng đã vô hiệu hóa kết quả trưng cầu dân ý năm 2016 phản đối Tổng thống Evo Morales tranh cử nhiệm kỳ thứ tư.
Tổng thống Ecuador Rafael Correa chúc mừng chiến thắng của người kế nhiệm Lenin Moreno (phải). Ảnh: AFP
Kiểm soát quyền lực
Nếu như phá được thế bế tắc trong thành lập chính phủ liên minh với đảng Xã hội dân chủ (SPD) trong vài tháng tới, bà Angela Merkel (61 tuổi) sẽ giữ chức vụ thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp kể từ khi bà ngồi vào chiếc ghế “thuyền trưởng” lèo lái đất nước vào năm 2005.
Nhiệm kỳ của một thủ tướng Đức là bốn năm, gắn liền với thời gian giữa hai cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội Đức. Như vậy, bà Merkel khi kết thúc nhiệm kỳ thứ tư của mình thì đã có đến 16 năm lãnh đạo đất nước.
Nhưng luật pháp Đức không có giới hạn nhiệm kỳ đối với vị trí thủ tướng và như tờ báo uy tín Deutsche Wellecủa Đức từng nhận định, bà Merkel sẽ còn có khả năng giữ vị trí lãnh đạo đến khi nào bà… còn sống, miễn là người dân vẫn bỏ phiếu ủng hộ bà.
Nước Đức không phải là trường hợp cá biệt tại châu Âu với trường hợp “bông hồng thép” Merkel.
Pháp là quốc gia duy nhất trên lục địa già mà lãnh đạo quốc gia buộc phải “rời bỏ” quyền lực sau khoảng thời gian tối đa tám năm. Đó là câu chuyện của thể chế cộng hòa tổng thống, nơi quyền lực tập trung rất lớn vào tay tổng thống và được bầu lên trực tiếp bởi người dân.
Ông Frank Decker, nhà khoa học chính trị tại Bonn, bình luận rằng việc không có giới hạn nhiệm kỳ đối với lãnh đạo không phải là vấn đề lớn đối với mô hình nghị viện.
Người đứng đầu chính phủ hoàn toàn có khả năng bị “mất ghế” bằng một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại nghị viện, ông cho biết. Điều này đã xảy ra tại Đức vào năm 1982, Thủ tướng Helmut Schmidt của SPD mất chức sau một cuộc bỏ phiếu của đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ Công giáo (CDU), sau đó được thay thế bằng chính trị gia đảng này là Helmut Kolh, người thầy của bà Merkel trên chính trường.
Ông Kolh sau đó giữ chức thủ tướng Đức trong 16 năm, đến năm 1998 thất bại trong chiến dịch tái tranh cử lần thứ năm trước đối thủ SPD Gerhard Schroeder.
Đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch nước ở Trung Quốc
Tân Hoa xã ngày 25-2 đăng thông tin cho biết Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (TQ) đã đề xuất bỏ phần nội dung rằng chủ tịch và phó chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân TQ “sẽ không giữ nhiều hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp” khỏi hiến pháp của nước này.
Thông tin trên được đăng tải trước thềm cuộc họp thường niên của Quốc hội TQ, tổ chức vào ngày 5-3 tới đây.
Giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức vụ chủ tịch nước TQ được đề ra trong đợt cải cách hiến pháp năm 1982, dưới thời của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Chức vụ này cũng được giới hạn chủ yếu là mang tính lễ nghi ngoại giao là chính. Quyền lực lớn nhất nằm ở vị trí lãnh đạo Quân ủy trung ương và tổng bí thư. Đến thời thế hệ lãnh đạo thứ ba – ông Giang Trạch Dân, ba chức vụ tổng bí thư, chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy trung ương mới quy về một người. Quy tắc bất thành văn này được người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào tiếp tục duy trì.
Hạt nhân của thế hệ lãnh đạo thứ năm của TQ là ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch nước từ năm 2013 và theo quy định hiện tại thì ông không được tiếp tục tái cử nếu kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023, theo hãng tin AFP.
Giới hạn nhiệm kỳ cả thẩm phán, nghị sĩ?
Giới hạn nhiệm kỳ đối với tổng thống nhận được sự ủng hộ lớn tại Mỹ. Theo tờ National Review, các cuộc khảo sát ý kiến thường nhận được trung bình 75% ủng hộ biện pháp này.
Thậm chí vào những năm 1990, đã có những nỗ lực đề xuất giới hạn nhiệm kỳ mở rộng ra đối với các thành viên lưỡng viện Mỹ.
Nỗ lực này khi đó đã bất thành khi tòa án tối cao Mỹ với năm phiếu chống và bốn phiếu thuận kết luận các bang không được áp đặt nhiệm kỳ lên các đại diện của họ tại lưỡng viện Mỹ vì đó là vi hiến, theo The Washington Post.
Thế nhưng các ý tưởng này đang nhen nhóm trở lại trên chính trường Mỹ.
Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, các ứng viên đảng Cộng hòa như Ted Cruz, Ben Carson hay Rand Paul từng ủng hộ áp đặt giới hạn nhiệm kỳ không chỉ với lưỡng viện mà còn cả tòa án tối cao.
Nguồn: Pháp Luật Online