Khu trục hạm USS Curtis của Hoa Kỳ (Ảnh: AP)
Trao đổi với CNN, phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Nate Christensen cho biết: "Chúng tôi đã ghi nhận được 19 lần tương tác không an toàn và/hoặc không chuyên nghiệp với Trung Quốc và Nga kể từ năm 2016", trong đó có 18 lần với Trung Quốc và một với Nga.
CNN cũng dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết, năm 2017, năm đầu Tổng thống Trump nắm quyền, đã chứng kiến nhiều cuộc chạm trán nhất với Trung Quốc. Ít nhất ba trong số các vụ việc đó xảy ra vào tháng Hai, tháng Năm và tháng Bảy năm 2017, khi chiến đấu cơ Trung Quốc thực hiện điều mà Mỹ mô tả là ngăn chặn "không an toàn" máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ.
Trong khi 18 cuộc chạm trán xảy ra trên biển, không quân Mỹ cũng đã có ít nhất một cuộc đụng độ tương tự trong cùng khoảng thời gian.
Ông Christensen nhấn mạnh: "Sự hiện diện liên tục của chúng tôi trong khu vực giúp làm nổi bật cam kết của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời nhắn gủi rằng Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục triển khai máy bay, tàu thuyền hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".
Hải quân Mỹ triển khai trung bình hàng trăm hoạt động trên biển và trên không mỗi năm ở Biển Hoa Đông, Biển Đông, Biển Hoàng Hải và Biển Nhật Bản, các quan chức Mỹ xem những lần tương tác không an toàn như vậy là rất nghiêm trọng.
"Đừng để xảy ra sai lầm, sự an toàn của các lực lượng của chúng tôi là tối quan trọng, và bất cứ lúc nào có một sự cố không an toàn và/hoặc không chuyên nghiệp đều khiến chúng tôi lo ngại. Hoa Kỳ giải quyết những vụ việc này thông qua các kênh ngoại giao và quân sự phù hợp" – một quan chức giấu tên của Hải quân Mỹ cho biết.
Tần suất của các hoạt động chạm trán như vậy sẽ làm tăng khả năng xảy ra va chạm hoặc xung đột, có thể gây ra khủng hoảng hoặc thậm chí xung đột giữa hai quốc gia.
Năm 2001, một vụ va chạm giữa máy bay trinh sát Mỹ và chiến đấu cơ Trung Quốc đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn giữa Washington và Bắc Kinh.
Cuộc chạm trán gần đây nhất với Trung Quốc đã diễn ra vào tháng trước khi tàu khu trục hạm USS Decatur của Mỹ đang thực hiện cuộc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực 12 hải lý quanh đá bãi Ga Ven và đá Gạc Ma, tàu khu trục lớp Luyang (Type-052C) của Trung Quốc đã áp sát trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chỉ 41 m và yêu cầu tàu Mỹ rời khỏi khu vực, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.
Hình ảnh tàu Trung Quốc áp sát tàu Mỹ ngày 30/9. Ảnh: US Navy.
Hoa Kỳ đã tăng cường chỉ trích hành vi quân sự hóa của Trung Quốc trên các hòn đảo ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động trong khu vực nhằm đối đấu với những gì Mỹ coi là những tuyên bố quá phận của Bắc Kinh.
"Chúng tôi không muốn biểu dương những hành vi hung hăng như trong sự cố Decatur bằng cách thay đổi hành vi [tự do hàng hải] của chúng tôi", Joe Felter, phó trợ lý quốc phòng Nam và Đông Nam Á, nói với các phóng viên tháng trước.
"Điều đó sẽ không xảy ra," ông nói thêm. "Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện quyền của chúng tôi theo luật pháp quốc tế và khuyến khích tất cả các đối tác của chúng tôi làm như vậy".
Hôm thứ Hai, ông Mattis phát biểu tại một sự kiện ở Viện Hòa bình Hoa Kỳ, "chúng tôi sẽ hợp tác ở những nơi có thể, và cũng sẵn sàng đối đầu khi cần, chẳng hạn như tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế hay những vấn đề tương tự".
Trước đó ông Mattis cho biết tại hội nghị ASEAN ở Singapore tháng trước sau một cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc: "Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cùng như các động thái trong các vùng biển quốc tế làm mất ổn định khu vực và đe dọa những nỗ lực chung để thúc đẩy an ninh."
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc, ông Ngụy Phượng Hòa, ở Washington, mở ra kỳ vọng ngăn chặn hành vi quân sự hóa Trung Quốc của Biển Đông.
Nguồn: Minh Hạnh/ dkn.tv