Chủ tàu Hankuk Chemi phủ nhận cáo buộc gây ô nhiễm ở eo biển Hormuz - Ảnh: Reuters
Con tàu bị bắt giữ ngoài khơi eo biển Hormuz ngày 4-1, trên đường từ Saudi Arabia tới Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), chở 7.000 tấn ethanol. Trên tàu có 20 thủy thủ, gồm 2 người Việt, 2 người Indonesia, 5 người Hàn và 11 người Myanmar.
Ngay sau khi tàu bị bắt giữ, Seoul đã lập tức đưa lực lượng chống cướp biển Cheonghae đến khu vực, triệu đại sứ Iran yêu cầu thả tàu, và gửi phái đoàn ngoại giao đến sau đó.
Một trong những điều đầu tiên mà Hàn Quốc cần làm rõ là việc Iran cáo buộc tàu Hankuk Chemi gây ô nhiễm vùng Vịnh.
"Bộ đang làm rõ các vấn đề liên quan đến tuyên bố ô nhiễm môi trường của Iran, về việc liệu con tàu đang đi trên vùng biển quốc tế hay thuộc lãnh thổ (Iran), và liệu việc bắt giữ có thực hiện đúng theo luật pháp quốc tế hay không" - Hãng tin Yonhap dẫn lời bộ này nói ngày 6-1.
Chủ tàu Hankuk Chemi phủ nhận cáo buộc gây ô nhiễm, cho biết con tàu bị lực lượng Vệ binh cách mạng Iran ép chuyển hướng về Iran. Đến nay cũng không có ghi nhận vào về việc rò rỉ hóa chất độc hại ở eo biển Hormuz.
Trùng hợp là vụ bắt giữ con tàu trên diễn ra trong lúc Seoul và Tehran đang đàm phán về khoản tiền 7 tỉ USD của Iran đang bị "giam lỏng" ở Hàn Quốc, theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha đến nay vẫn tránh liên hệ trực tiếp giữa cuộc đàm phán 7 tỉ USD này và vụ bắt giữ tàu, khẳng định "ưu tiên hiện nay là làm rõ vụ việc và đảm bảo an toàn cho các thuyền viên".
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng vụ bắt giữ tàu Hankuk Chemi nhằm gây sức ép buộc Hàn Quốc nhanh chóng "rã băng" số tiền, trong lúc Iran đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính và phải chống dịch COVID-19.
Tehran ngày 5-1 đã bác bỏ cáo buộc bắt tàu Hàn Quốc làm "con tin" cho vụ đàm phán khoản tiền 7 tỉ USD.
Trước đó, đã có một số đồn đoán rằng Iran có thể đem vụ việc ra tòa án quốc tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ thương mại Hàn Quốc - Iran.
Điều này cũng nhằm gửi thông điệp đến chính quyền sắp nhậm chức của ông Joe Biden ở Mỹ và các đồng minh đang hợp tác để trừng phạt Iran, nhắc nhở rằng eo biển Hormuz, nơi lưu thông 1/3 lượng dầu mỏ toàn cầu, vẫn thuộc kiểm soát của Tehran.
Giới quan sát Hàn Quốc cho rằng chính quyền Tổng thống Moon Jae In có thể vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, như đồng minh Mỹ đang làm, để kêu gọi Tehran thả tàu, bởi nhiều quốc gia cũng có lợi ích ở eo biển Hormuz.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online