Cuộc khảo sát cho thấy sau hai tháng ở nhà vì lệnh phong tỏa, 35% người Pháp đã lên cân, trung bình là 3,2 kg. Thậm chí, một số người còn ‘‘mập’’ hẳn ra. Cứ trên 10 người, là có đến 2 đã tăng hơn 5 kí.
Bị phong tỏa do dịch Covid-19, người dân liên lạc với nhau qua các ứng dụng nghe nhìn, Paris, Pháp. Ảnh chụp ngày 19/03/2020 AFP - PHILIPPE LOPEZ
Điều đáng ngạc nhiên ở đây là nhìn chung dân Pháp đã có thái độ khá ‘‘chừng mực’’ chứ ít có lạm dụng. Họ không uống rượu hay hút thuốc quá nhiều, chuyện ăn uống vẫn điều độ không có quá chất đường hay chất béo. Đối với những người thích chơi thể thao, họ vẫn vận động thường xuyên, ít nhất là một tiếng mỗi ngày, thời gian đầu là tập thể dục ở trong nhà, rồi sau đó là ngoài trời xung quanh khu vực cư trú.
Lệnh phong tỏa đã kéo dài trong hai tháng. Nếu như trong những tuần đầu tiên buộc phải ở nhà, người Pháp đã có chiều hướng ăn nhiều hơn bình thường, dựa theo các chỉ số tiêu dùng thực phẩm của các hộ gia đình, nhưng sau đó nhìn chung, dân Pháp đã ý thức được một điều khá đơn giản : ít vận động bao nhiêu thì cũng nên tránh ăn nhiều bấy nhiêu.
Có lẽ cùng vì thế mà theo thăm dò, nếu 35% người tiêu dùng ở Pháp đã lên kí, thì cũng có 19% người Pháp tức là gần một phần năm đã giảm cân.
Nếu như chuyện tăng cân là điều khó thể tránh khỏi, nhất là khi các hộ gia đình ‘‘bất ngờ’’ có thêm nhiều thời gian nhàn rỗi, nhưng theo đánh giá của viện thống kê Odoxa, người Pháp nhìn chung đã biết tự hạn chế, chứ không cần phải nhắc nhở. Tình trạng này đi ngược lại với điều mà nhiều người thường nghĩ : thời gian phong tỏa sẽ làm nảy sinh nhiều thói hư, tật xấu : trẻ em cũng không thức khuya, ngủ dậy muộn hơn, chuyện ăn uống cũng không quá bị lệch lạc, trái giờ. Nếu có, thì hiện tượng này chủ yếu diễn ra trong thời gian đầu, dần dần tự điều chỉnh lấy, để rồi đâu cũng vào đó.
Một cách cụ thể, cuộc thăm dò của viện Odoxa cho thấy, số người Pháp uống rượu thường xuyên (uống vào mỗi bữa ăn) đã giảm từ 57% xuống còn 51%. Ngay khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, mức tiêu thụ rượu và champagne đã tăng nhanh trong trung tuần tháng 05/2020, do dân Pháp đã ‘‘ăn mừng’’ khi tìm lại tự do, dù có điều kiện. Trong khi số người hút thuốc (thường xuyên hoặc không thường xuyên) đã giảm một chút từ 27% xuống còn 23%.
Có một yếu tố chung giải thích cho hiện tượng này. Ăn uống, hút thuốc hay uống rượu đều là những thói quen mang tính xã hội. Tất cả những điều đó, bạn vẫn có thể làm một mình, nhưng khi có thêm đám đông và bối cảnh lễ lạc hội hè, tức là trong những buổi họp mặt với bạn bè, người thân hay gia đình, thì bạn sẽ uống rượu hút thuốc nhiều hơn, như thể những quan hệ tương tác trao đổi làm cho những thói quen ấy thêm vui.
Tuy nhiên, đó là cách nhìn tổng thể, vì khi nhìn kỹ lại từng chi tiết, thì nếu như số người hút thuốc lá không thường xuyên đã giảm hẳn, thì ngược lại, số người hút thường xuyên lại tăng thêm liều lượng trong vòng hai tháng, nhất là nơi các bạn trẻ, thành phần ở độ tuổi từ 25 đến 34. Mức tiêu thụ trung bình hàng ngày của họ tăng thêm từ 3 đến 5 điếu thuốc lá. Trên 10 bạn trẻ phải làm việc tại nhà, có đế 4 người cho biết họ đã hút thuốc nhiều hơn.
Ngoại trừ ở các vùng tỉnh thành gần biên giới, lệnh phong tỏa đã làm giảm bớt số người hút thuốc lá, chủ yếu cũng vì giá thuốc lá đã tăng thêm hồi đầu tháng 03/2020 để gần đạt tới mức 10 euro một bao. Theo cơ quan Tabac Info Service, biện pháp này đã có tác động tâm lý và thúc đẩy một số người ngưng hút thuốc, nhưng chủ yếu ở Paris và các vùng đô thị lớn.
Ngược lại, những người sống ở các tỉnh gần biên giới, như gần nước Bỉ, Andorra hay Tây Ban Nha, thì biện pháp lên giá chỉ có tác động nhất thời, vì khi mở cửa biên giới trở lại, người tiêu dùng vẫn sang các quốc gia này mua thuốc lá với giá rẻ hơn.
Điều đó giải thích vì sao, ngay sau khi nước Pháp dỡ bỏ lệnh phong tỏa, tình trạng kẹt xe ở vùng biên giới lại đột ngột tăng vọt, các cửa hiệu đông khách trở lại mà đôi khi lại quên tôn trọng sự giãn cách xã hội, điều cần thiết trong thời hậu Covid-19.
Nguồn: RFI