Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu – do báo đảng Trung Quốc Nhân dân Nhật báo quản lý, động thái của lãnh đạo Triều Tiên được giới phân tích Trung Quốc đánh giá là thể hiện lòng tin hoàn toàn vào Trung Quốc, cũng như dự định học hỏi từ kinh nghiệm của Bắc Kinh trong lĩnh vực cải cách và mở cửa.
Bên cạnh lịch trình họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-28/2, chủ tịch Kim Jong Un cũng sẽ tiến hành thăm hữu nghị chính thức Việt Nam – chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Triều Tiên kể từ khi lãnh tụ Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong Un, thăm Việt Nam vào 55 năm trước.
Đoàn tàu bọc thép của ông Kim rời Bình Nhưỡng vào khoảng 17h chiều thứ Bảy, 23/2. Tháp tùng ông có 4 Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên là các ông Kim Yong Chol, Ri Su Yong, Kim Phyong Hae và O Su Yong.
Ủy viên dự khuyết Bộ chính trị Triều Tiên, em gái chủ tịch Kim, bà Kim Yo Jong cũng có mặt trong đoàn.
Zheng Jiyong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, nói với Hoàn Cầu: “Việc dành hơn hai ngày đi xuyên qua Trung Quốc bằng tàu hỏa thể hiện niềm tin hoàn toàn của ông Kim đối với Trung Quốc trong vấn đề bảo đảm an ninh cá nhân của ông.”
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho hay, khoảng 7h sáng ngày 25/2, đoàn tàu đã đi qua cầy cầu lớn vượt sông Dương Tử (Trường Giang) ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Đến 13h30 cùng ngày, tàu đến ga thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Khoảng 15h30, tàu được ghi nhận di chuyển qua thành phố Hành Dương, Hồ Nam và tiếp tục hướng về phía Nam.
hủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un duyệt đội danh dự tại ga Bình Nhưỡng, trước khi cùng đoàn đại biểu cấp cao lên tàu hỏa khởi hành tới Việt Nam, ngày 23/2/2019 (Ảnh: KCNA)
4 chuyến tàu cao tốc đi qua thành phố Trường Sa ngày 25 đã bị hủy bỏ.
Theo báo Hoàn Cầu, trên hành trình xuyên lãnh thổ Trung Quốc, ông Kim Jong Un có cơ hội tận thấy cảnh quan ở miền Bắc và miền Nam Trung Quốc.
Ông Zheng bình luận, mục đích chính khi ông Kim lựa chọn đi từ Bình Nhưỡng tới Việt Nam bằng tàu hỏa qua Trung Quốc là để được “tận thấy” những thành tựu của Trung Quốc trong 40 năm thực thi cải cách mở cửa, qua đó củng cố niềm tin của các quan chức Triều Tiên để thúc đẩy những chính sách tương tự tại nước này.
Ông cho hay, chứng kiến kinh nghiệm của Trung Quốc cũng giúp đoàn đại biểu Triều Tiên có những ý tưởng chi tiết hơn cho công cuộc phát triển kinh tế, cũng như định hình rõ hơn về những yêu cầu sẽ nêu ra trong khi đàm phán với phía Mỹ.
Hoàn Cầu nhận định Trung Quốc đóng vai trò cầu nối quan trọng, như một “người bảo lãnh” để đưa Mỹ và Triều Tiên – hai nước vốn thiếu lòng tin vào đối phương – tới bàn đàm phán.
“Tình hữu nghị bền vững với Trung Quốc đã giúp củng cố lòng tin của Triều Tiên vào các cuộc thương lượng,” ông Zheng nói.
Da Zhigang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Viện khoa học xã hội Hắc Long Giang, ủng hộ quan điểm của ông Zheng, nói rằng “ông Kim cũng cần lời khuyên từ Trung Quốc về cách thức tham gia cuộc chơi ngoại giao nước lớn”.
Theo ông Da, Trung Quốc có thể hỗ trợ Triều Tiên tiếp cận tốt hơn với môi trường hợp tác kinh tế khu vực, nhờ đó mang lại thịnh vượng và ổn định một cách hiệu quả trên bán đảo Triều Tiên.
Từ tháng 3/2018, chủ tịch Kim Jong Un đã tiến hành 4 chuyến thăm Trung Quốc để gặp chủ tịch Tập Cận Bình, trước và sau khi ông gặp ông Trump lần đầu ở Singapore tháng 6/2018, cũng như dự các cuộc thượng đỉnh liên Triều với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In.
Mới đây để kỷ niệm chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 1/2019 của ông Kim, Triều Tiên đã phát hành bộ tem lưu niệm để khẳng định sự kiện trên “ghi dấu ấn đặc biệt trong lịch sử tình hữu nghị và đoàn kết giữa hai đảng, hai nước”.
Nguồn: Tri thức trẻ