Ngày 3/6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp bà Florence Parly phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2018. Ảnh: AFP.
Ngày 3/6, tại Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết vào tuần tới, các tàu chiến Pháp và Anh (mang theo máy bay trực thăng) sẽ thực hiện hành động tự do hàng hải liên hợp ở Biển Đông.
Bà Florence Parly ám chỉ rằng những tàu chiến này sẽ đi vào những vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là "lãnh hải" một cách vô lý, phi pháp, đồng thời dự báo có thể sẽ xảy ra đối đầu. Bà cho biết cho dù đối phương có yêu cầu rời khỏi thông qua vô tuyến điện thì các chỉ huy của tàu chiến Anh, Pháp sẽ bình tĩnh, tiếp tục đi lại tự do ở các vùng biển quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế.
Bà Florence Parly còn cho biết châu Âu đã bắt đầu huy động nhiều lực lượng hơn để hỗ trợ cho các hành động tự do hàng hải. Quan sát viên Đức cũng đã lên tàu của Pháp, những nỗ lực này cần tiếp tục mở rộng.
Bà cho rằng đàm phán là con đường khả thi, nhưng "thực tế đã rồi hoàn toàn không phải là sự thực cần chấp nhận". Bà Florence Parly còn cho biết năm 2017 ít nhất có 5 tàu chiến Pháp từng đi lại trên Biển Đông.
Đây hoàn toàn không phải là lần đầu tiên Pháp can dự vào vấn đề Biển Đông. Tại Đối thoại Shangri-La 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khi đó là ông Jean-Yves Le Drian cho biết Pháp sẽ thúc giục các nước EU phối hợp hành động tuần tra hải quân để đảm bảo có sự hiện diện "thường xuyên và rõ ràng" ở khu vực tranh chấp Biển Đông.
Ngày 3/6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson phát biểu trên tàu khu trục săn ngầm HMS Sutherland ở Singapore. Ảnh: The Telegraph.
Theo báo chí Pháp, tháng 10/2017, khi tàu hộ vệ đa dụng Auvergne Pháp đi lại trên Biển Đông đã từng bị máy bay chiến đấu Trung Quốc bám theo. Nhưng chỉ huy tàu này cho biết động thái của máy bay chiến đấu Trung Quốc không tạo ra mối đe dọa cho họ.
Cũng trong ngày 3/6/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã lên tàu chiến Anh neo đậu tại Singapore, đứng ở trên tàu nhấn mạnh: "Chúng tôi cần cho biết rõ, các nước cần hành động theo quy tắc, nếu không sẽ gánh hậu quả". Tuyên bố này được cho là nhằm vào Trung Quốc.
Ông Gavin Williamson cho biết tại cuộc hội đàm song phương giữa Anh - Phápở Paris cách đây không lâu, hai bên đã thảo luận về vấn đề hai nước "tham gia tích cực hơn vào giải quyết vấn đề Biển Đông", cho biết hai bên có kế hoạch hỗ trợ bảo đảm tự do đi lại.
Ông Gavin Williamson cho biết: "Lợi ích kinh tế của Biển Đông không chỉ liên quan đến các nước trong khu vực, Trung Quốc và Nhật Bản, mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Biển Đông là một trong những tuyến đường thương mại quốc tế lớn nhất trên thế giới".
Ông cho biết, Pháp, Anh và Australia đều đang tuyên bố quyền lợi đi lại ở khu vực này. "Thông điệp rõ ràng của chúng tôi là đi lại tự do cực kỳ quan trọng".
Tàu khu trục săn ngầm HMS Sutherland của hải quân hoàng gia Anh. Ảnh: The Telegraph.
Theo Gavin Williamson, năm nay Anh sẽ điều 3 tàu chiến đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, phát đi "thông điệp mạnh mẽ nhất" về tầm quan trọng của "tự do đi lại" ở khu vực này.
Tờ Daily Telegraph Anh ngày 4/6 cho rằng việc Anh điều 3 tàu chiến đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua. Một bộ phận nhiệm vụ của họ là tiến hành "hành động đi lại tự do" ở Biển Đông, trong đó có một mục đích là giám sát hoạt động thương mại trên biển của Triều Tiên.
Nhưng theo tờ The Times Anh, hải quân Anh sẽ tránh cách làm của quân đội Mỹ, sẽ không đi vào vùng biển 12 hải lý tại các đảo đá ngầm trên Biển Đông.
Đối với các phát biểu này của phía Anh, Pháp, phái đoàn Trung Quốc tại Shangri-La 2018 cho rằng Biển Đông là vùng biển tự do, tất cả các tàu thuyền đều có thể đi lại tự do không bị cản trở, nhưng sẽ không được phép xâm phạm cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".
Theo Đại tá Chu Ba, một thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc, vấn đề là Pháp và Anh có đi vào khu vực 12 hải lý của các đảo, đá ngầm do Trung Quốc kiểm soát (phi pháp) hay không. Nếu làm như vậy thì đó sẽ là hành động "cố tình khiêu khích".
Đoàn đại biểu quân đội Trung Quốc bị cô lập ở Đối thoại Shangri-La 2018 trong vấn đề Biển Đông. Trong hình là Trung tướng Hà Lôi, Phó Giám đốc Viện Khoa học quân sự, quân đội Trung Quốc dẫn đầu Đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La 2018. Ảnh: Nanyangpost.
Lưu Phong, phó chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Philippines, Đại học Sư phạm Hải Nam, Trung Quốc cho rằng Anh và Pháp gia nhập hành động tự do hàng hải ở Biển Đông rõ ràng là một hành vi "khiêu khích". Biển Đông không liên quan gì tới Anh, Pháp. Hơn nữa, tự do đi lại trên Biển Đông "không bị bất cứ cản trở và ảnh hưởng nào". Anh và Pháp đã "bịa đặt ra cái cớ để gia nhập".
Theo Lưu Phong, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực điểm nóng quốc tế, Anh và Pháp đưa ra những tuyên bố như vậy là để thể hiện cảm giác "tồn tại". Hiện nay, về tổng thể, quan hệ Trung - Pháp và Trung - Anh tương đối bình thường, nhưng không loại trừ Anh và Pháp có ý định gây sức ép với Trung Quốc dựa vào một số vấn đề địa - chính trị, từ đó giành được một số "con bài".
Chẳng hạn, trong hợp tác Trung - Âu, Anh và Pháp có thể muốn thông qua phương thức này để giành được một số lợi ích từ Trung Quốc, đặc biệt là hiện nay Đối thoại Shangri-La đã trở thành một diễn đàn an ninh tương đối có ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hành động này của Anh và Pháp cho thấy họ không muốn giữ im lặng, không muốn mất đi vai trò ảnh hưởng. Họ rõ ràng muốn dựa vào vấn đề Biển Đông để khẳng định sự tồn tại của mình.
Nguồn: Phong Vân/ viettimes.vn