Ngày 30/11, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đã tuyên bố chính thức khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự có mặt của lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu thế giới, cũng như nhiều đại diện tổ chức quốc tế và khu vực.
Với chủ đề chính “Xây dựng đồng thuận vì sự phát triển công bằng và bền vững”, nước chủ nhà Argentina hy vọng đây là cơ hội để các nền kinh tế thành viên thảo luận và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề nóng của thế giới, hướng tới việc đạt được một tuyên bố chung chú trọng tới phát triển cân bằng và bền vững.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 sẽ tập trung thảo luận một loạt các vấn đề lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, tương lai việc làm, hạ tầng phục vụ phát triển, tương lai của lương thực bền vững...
Các nhà lãnh đạo G20 hy vọng sẽ đạt đồng thuận trong các vấn đề cơ bản từ những thỏa thuận đã đạt được trong hơn 80 cuộc họp trong suốt quá trình chuẩn bị từ đầu năm đến nay.
Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay đang bị phủ bóng đen với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc, những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và nhiều thành viên G20 khác, những chia rẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và một loạt những căng thẳng khác...
Hội nghị thượng đỉnh G-20 khai mạc tại Buenos Aires, Argentina
Tại Argentina, hàng nghìn người dân đã xuống đường biểu tình phản đối việc tổ chức Hội nghị G20 đang diễn ra tại thủ đô Buenos Aires, trong bối cảnh Chính phủ nước này thắt chặt an ninh nhằm đảm bảo thành công của sự kiện.
Với cờ, trống và các biểu ngữ lớn phản đối chủ nghĩa đế quốc và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).., nhiều tổ chức xã hội về quyền con người, công đoàn, phong trào chống toàn cầu hóa và một số lực lượng khác đã tham gia tuần hành hòa bình tại Đại lộ 9 Tháng 7, Đại lộ Tháng Năm và các con phố xung quanh hướng tới tòa nhà Quốc hội.
Lực lượng an ninh Argentina đã triển khai một số xe bọc thép để ngăn chặn những người biểu tình tuần hành trên tuyến phố không được chính phủ cho phép.
Bên cạnh đó, nhiều nhân vật đến dự hội nghị cũng mang tới sự tò mò, như hoàng thái tử Mohamad bin Salman của Saudi Arabia, với những cáo buộc liên quan cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Ngay trước khi lên đường đến Argentina dự sự kiện kéo dài hai ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Argentina, với lý do bất đồng với “cách cư xử” của điện Kremlin đối với Ukraine, khiến tương lai mối quan hệ Nga-Mỹ trở nên bất định.
Tuy nhiên, quyết định của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra trong lúc cuộc điều tra của giới chức tư pháp Mỹ về chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 và mối liên hệ với Nga đang vào hồi gay cấn. Cựu luật sư của ông Trump là Michael Cohen hôm thứ Năm đã thừa nhận nói dối Quốc hội về một đề xuất dự án bất động sản ở Nga có liên quan đến ông Trump. Nên gặp ông Putin lúc này, theo một số nhà quan sát, không có lợi cho cá nhân ông Trump.
“Hội nghị thượng đỉnh G-20 có nguy cơ chệch đường ray khi bị các vấn đề ngoài chương trình nghị sự lấn át”, học giả Thomas Bernes đến từ Trung tâm Cải cách quản trị quốc tế (có trụ sở ở Canada) nói. “Vấn đề là các thành viên khác của G-20 có hành động cương quyết hay chúng ta sẽ chứng kiến một G-20 vỡ vụn, không hề giống mục đích ra đời của nó là một diễn đàn hợp tác kinh tế”, ông Bernes nói.
Đào Vũ (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin