Theo khảo sát năm gần đây của Hotels.com, người Argentina có xu hướng trộm đồ nhiều nhất trong phòng khách sạn, những thứ bị trộm không bao gồm đồ dùng cá nhân trong nhà vệ sinh.
Singapore xếp sau Argentina với những công dân thích “cầm nhầm”, trong khi đó khách Hong Kong được đánh giá là nhóm đáng tin nhất khi lưu trú tại khách sạn.
SCMP đăng tải danh sách những quốc gia có công dân hành xử vô lối nhất, khiến nước bạn e ngại và đồng hương xấu hổ.
Trung Quốc
Truyền thông đều quen với những câu chuyện về khách Trung Quốc làm loạn sân bay, tấn công tiếp viên hay phá hoại các di tích khảo cổ, tiểu bậy nơi công cộng… Gần đây nhất, nhiều người ngỡ ngàng với tin khách Trung Quốc ném đồng xu vào cánh máy bay để cầu may hay nấu mì ăn giữa sân bay khi đợi chuyến.
Là một trong những nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc có tới 122 triệu người du lịch nước ngoài vào năm 2016. Điều này lý giải cho số lượng công dân hành xử kém văn minh khi ra nước ngoài của Trung Quốc áp đảo hơn những quốc gia khác.
Những điểm đến phổ biến nhất với nhóm khách này là Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Nga, Maldives và Anh. Họ cũng trở thành “cứu tinh” cho ngành du lịch của nhiều quốc gia như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ hay Tunisia – những nơi chịu ảnh hưởng tiêu cực sau khủng bố.
Anh
Người Anh có thể lịch sự, thân thiện và nhã nhặn. Nhưng sau khi tiệc tùng quá chén, họ có thể khỏa thân chạy trên phố và quậy phá khắp nơi.
Khách Anh tại Magaluf, Tây Ban Nha. Ảnh: Twitter.
Thị trưởng hòn đảo resort Hvar, Croatia, mới đây phải ban hành mức phạt 700 euro cho những ai bị bắt gặp sử dụng đồ uống có cồn nơi công cộng.
Nhiều người có thể cho rằng lối hành xử này chỉ xuất phát từ nhóm khách Anh trẻ tuổi, song họ không phải những người duy nhất gây điều tiếng cho xứ sở sương mù. Tây Ban Nha mới đây phanh phui tình trạng khách Anh khiếu nại ngộ độc thực phẩm giả khi nghỉ tại những resort, khách sạn hạng sang.
Hiệp hội khách sạn Tây Ban Nha (CEHAT) ước tính có tới 90% trường hợp báo ngộ độc là giả. Theo thống kê, các khách sạn địa phương phải chi tới 60 triệu euro bồi thường cho những vụ ngộ độc trong năm 2016.
Trong đó, một cặp vợ chồng khiếu nại họ bị tiêu chảy và chuột rút sau kỳ nghỉ. Họ bị phát hiện uống 109 ly đồ uống có cồn trong suốt chuyến đi Tây Ban Nha.
Đức
Andrew Eames, blogger du lịch, nhận định người Đức đã biến những lời phàn nàn thành nghệ thuật khi họ soi xét tất cả mọi thứ trong hành trình, ngoại trừ cảnh quan. Andrew cho rằng người Đức quá nghiêm túc khi đi du lịch, họ có thể phàn nàn từ thực đơn đơn điệu, phòng ngủ thiếu sân thượng như quảng cáo… và yêu cầu bồi thường.
Du khách Đức đi nghỉ tại Tunisia. Ảnh: SCMP.
Mỹ
Người Mỹ được khen ngợi khi tiếp đón khách quốc tế nhưng nhiều người rất tệ khi du lịch nước ngoài. Họ bị đánh giá là nhóm khách thiếu tôn trọng văn hóa bản địa và ăn mặc không nghiêm túc.
Israel
Người Israel mang tiếng xấu là thô lỗ, thiếu kiên nhẫn và thường xuyên sử dụng chất kích thích, theo trang tin địa phương Haaret. Nhiều du khách sẵn sàng tranh cãi về giá phòng hay lừa chủ khách sạn, điều đó khiến hình ảnh về người Israel thêm méo mó.
Một người chia sẻ trên diễn đàn Lonely Planet: “Một trong những cảm giác tồi tệ nhất khi phượt là lúc bạn check-in khách sạn, mở hộ chiếu ra và chứng kiến thái độ niềm nở của lễ tân tiếp đón bốc hơi ngay lập tức”.
Người Israel chịu nhiều định kiến trên đường du lịch. Ảnh: Middleeast Monitor.
Nga
SCMP nhận định người Nga là bậc thầy mặt lạnh khi tiếp xúc một nền văn hóa mới, tới mức Bộ Ngoại giao Nga phải ban hành bộ quy tắc ứng xử cho công dân ra nước ngoài hồi đầu năm 2017.
Theo đó, công dân Nga được khuyến khích cười thật nhiều khi đến Mexico, không đùa cợt về bình đẳng giới tại Canada hay đúng giờ nếu du lịch Hà Lan. Bộ quy tắc cũng lưu ý công dân Nga tránh dùng các từ tiếng Nga như “mơ”, “không gian”, “gạch”… có âm gần giống một số từ nhạy cảm trong tiếng Italy.
VNEXPRESS.NET