Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang chuyển dần sang cạnh tranh cả chính trị và quân sự, Biển Đông sẽ nóng trở lại. Tập Cận Bình kêu gọi tự lực cánh sinh.

42 1 Khi Donald Trump Khong Con Xem Tap Can Binh La Ban Be

Khi hai nhà lãnh đạo Trung - Mỹ không còn là bạn bè, căng thẳng có thể leo thang trên Biển Đông, ảnh minh họa: SBS.

Ngày 26/9 phát biểu trong một cuộc họp báo bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trả lời một câu hỏi làm thế nào ông vẫn xem Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là bạn bè, rằng: "Có lẽ ông ấy không còn là (bạn tôi) nữa!"

Trong khi căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang trong những tháng gần đây, nhiều lần ông Donald Trump vẫn gọi người đồng cấp Tập Cận Bình là bạn tốt.

Nhưng phát biểu mới nhất này cho thấy một sự suy giảm đáng kể trong mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo.

Điều này đang làm dấy lên những lo ngại về một cuộc đối đầu dài hạn về địa chính trị giữa hai siêu cường.

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào bầu cử và chính trị Hoa Kỳ, mặc dù không đưa ra bằng chứng. [1]

Đối đầu toàn diện

Quan hệ Trung - Mỹ đã trở nên bế tắc sau những chỉ trích toàn diện của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence về các chính sách của Bắc Kinh.

Ông không chỉ tiếp tục cáo buộc của Tổng thống Donald Trump về việc Trung Quốc can thiệp vào chính trị và bầu cử Hoa Kỳ, mà còn chỉ trích gay gắt Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, kiểm duyệt cũng như chính sách đối ngoại hung hăng trên Biển Đông.

Trong bài phát biểu hôm thứ Năm tuần này, ông Mike Pence dường như đã tấn công dưới mọi khía cạnh các hoạt động của Trung Quốc, từ kinh tế thương mại cho đến quân sự, tôn giáo, ngoại giao.

Phó Tổng thống Mỹ trích dẫn các báo cáo tình báo Hoa Kỳ tuyên bố rằng Bắc Kinh đã lên kế hoạch nhắm mục tiêu vào chính quyền các tiểu bang và địa phương của Mỹ, thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc và chia rẽ xã hội Mỹ.

Ông đưa ra 4 trang quảng cáo mà truyền thông nhà nước Trung Quốc mua trên một tờ báo ở Iowa để chứng minh cho việc Bắc Kinh định gây ảnh hưởng lên cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm nay và bầu cử Tổng thống năm 2020.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm thứ Sáu 5/10 đã gọi cáo buộc của ông Mike Pence là "vô lý", đồng thời tuyên bố Trung Quốc "không quan tâm" đến việc can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên theo ông Trương Bảo Huy, một nhà nghiên cứu Trung Quốc, vụ chạm trán giữa tàu khu trục Lan Châu - Trung Quốc với khu trục hạm USS Decatur Hoa Kỳ tuần qua là một dấu hiệu căng thẳng Trung - Mỹ đang leo thang.

Chủ nhật tuần qua, khi USS Decatur tuần tra tự do hàng hải bên trong 12 hải lý đá Ga Ven và Gạc Ma, Trường Sa đã bị tàu khu trục Lan Châu đeo bám và tạt đầu nguy hiểm, sự "leo thang" căng thẳng Trung - Mỹ có thể xảy ra trên hướng Biển Đông.

Nhất là báo cáo sau đó rằng Washington đang lên kế hoạch diễn tập quân sự từ eo biển Đài Loan cho tới Biển Đông trong khoảng 1 tuần vào tháng 11 tới, càng khiến giới quan sát Trung Quốc lo ngại.

Bắc Kinh dường như đang có tâm lý phải chuẩn bị cho những điều tồi tệ nhất sắp đến.

Một học giả Trung Quốc khác, Giáo sư Bàng Trung Anh từ Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho rằng, phát biểu của ông Mike Pence là một sự hệ thống hóa tất cả những chỉ trích trước đây của Donald Trump với Trung Quốc.

Tuy nhiên, Giáo sư Bàng Trung Anh cho rằng Bắc Kinh không thể đầu hàng trước áp lực này của Mỹ. [2]

Mỹ gây áp lực quân sự và chính trị lên Trung Quốc thay cho việc sử dụng 100% công cụ thuế quan

Ngày 17/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đánh thuế mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh trả đũa đòn thuế quan Mỹ đánh vào gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Bắc Kinh đã trả đũa theo dữ kiến nhằm vào 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Nhưng không có dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump sẽ hiện thực hóa lời đe dọa của mình, mặc dù thứ Hai đầu tuần này ông vẫn khẳng định, có thể đánh thuế tiếp với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc còn lại, trị giá 267 tỷ USD.

Điều này có khả năng cho thấy một sự thay đổi chiến lược của Washington, Nhà Trắng có lẽ đang cân nhắc các công cụ và tùy chọn phi thuế quan để tránh phản ứng từ người tiêu dùng Mỹ khi cuộc bầu cử quan trọng giữa nhiệm kỳ đang đến gần.

42 2 Khi Donald Trump Khong Con Xem Tap Can Binh La Ban Be

Khu trục hạm USS Decatur, ảnh: DefPost.

Các lựa chọn này bao gồm tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông, nhất là quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp bất hợp pháp, gia tăng cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào chính trị Mỹ...

Điều này cũng bao gồm việc áp đặt lệnh cấm vận quân sự Trung Quốc vào cuối tháng Chín, sau khi Trung Quốc mua vũ khí từ một nhà cung cấp của Nga, cũng như việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hủy chuyến thăm Trung Quốc. [3]

Tập Cận Bình sử dụng bài cũ của Mao Trạch Đông

Ký giả Katsuji Nakazawa của tạp chí Nikkei Asian Review ngày 4/10 nhận định, cuối tháng Chín ông Tập Cận Bình đã có chuyến khảo sát đặc biệt 3 tỉnh vùng Đông Bắc Trung Quốc, tháp tùng có Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Trong chuyến thị sát này, nhiều lần ông Tập Cận Bình kêu gọi người dân và doanh nghiệp Trung Quốc "tự lực cánh sinh", phản ánh quyết tâm không chịu thua Donald Trump.

"Tự lực cánh sinh" là khẩu hiệu được Mao Trạch Đông sử dụng suốt thời kỳ Đại Nhảy Vọt, sau đó là Cách mạng Văn hóa. Hậu quả của 2 chiến lược này không chỉ tàn phá nền kinh tế Trung Quốc, mà còn để lại nhiều ảnh hưởng nặng nề.

Ngày 26/9, ông Tập Cận Bình đến thăm nhà máy công nghiệp nặng đầu tiên của Trung Quốc thành lập từ sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên ở Qiqihar tỉnh Hắc Long Giang. Tại đây ông Bình kêu gọi:

42 3 Khi Donald Trump Khong Con Xem Tap Can Binh La Ban Be

Ông Tập Cận Bình trong chuyến khảo sát vùng Đông Bắc Trung Quốc cuối tháng Chín vừa qua, ảnh: CCTV.

"Phát triển các ngành sản xuất chất lượng cao, đặc biệt là sản xuất máy móc thiết bị, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển chất lượng nền kinh tế Trung Quốc. Đó là điều không thể thiếu với quốc gia hiện đại.

Trung Quốc phải gắn bó với con đường tự lực cánh sinh trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trên thế giới hiện nay."

Katsuji Nakazawa cho rằng, kêu gọi của ông Tập Cận Bình để Trung Quốc tồn tại độc lập, không cần đến thế giới bên ngoài nghe có vẹ lỗi thời;

Đặc biệt là nó trái với chính phát biểu của ông Tập Cận Bình trước đó, rằng thế giới phải kiên định bảo vệ hệ thống "tự do thương mại" (và Trung Quốc sẽ dẫn đầu).

Tại Liêu Ninh, Tập Cận Bình đã đến kiểm tra tập đoàn quân số 79, đội mũ bảo hiểm và ngồi lên ghế phi công của một chiếc trực thăng vũ trang do Trung Quốc phát triển.

Trong chuyến công du Đông Bắc, người ta cũng thấy ông Tập Cận Bình xuất hiện trên những cánh đồng lúa mỳ bội thu với thông điệp Trung Quốc có thể tự cung tự cấp nguồn lương thực dồi dào cho dân chúng.

Tuy nhiên trong thực tế, người dân Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu các thành phần thiết yếu khác để làm nên bữa ăn hàng ngày của họ, điển hình là đậu tương.

Khả năng tự cung tự cấp đậu tương của Trung Quốc rất thấp, chỉ khoảng 10%. Một phần đáng kể dầu ăn Trung Quốc làm từ đậu tương nhập khẩu của Mỹ và Brazil, hiện tại Trung Quốc không thể tự cung tự cấp mặt hàng này.

Song Trung Quốc vẫn đánh thuế nhập khẩu trả đũa Hoa Kỳ nhằm vào đậu tương và ông Tập Cận Bình đi thăm nông trường vùng Đông Bắc được xây dựng nhằm dập tắt lo ngại trong dân chúng về an ninh lương thực.

Nguồn: Hồng Thủy/ Giaoduc.net.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC