Trong bối cảnh đang diễn ra bầu cử Nghị Viện Châu Âu, những người thuộc «thế hệ khí hậu» muốn gây tác động đối với các ứng cử viên và cũng có thể nói, một phần chính nhờ sự huy động của giới trẻ, mà biến đổi khí hậu trở thành một trong những chủ đề hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của các chính đảng.
"Fridays for Future" tại Berlin, Đức ngày 10/05/2019. REUTERS/Annegret Hilse
Cuộc bãi khóa và biểu tình toàn thế giới lần trước đã có sự tham gia của 1,8 triệu sinh viên, học sinh tại 130 quốc gia. Lần này, theo thống kê của trang youthforclimate.fr, lời kêu gọi bãi khóa, xuống đường đã được đưa ra tại hơn 2.200 thành phố.
Chính là theo lời kêu gọi của một nữ sinh Thụy Điển, Greta Thunberg, 16 tuổi, mà hàng ngàn thanh thiếu niên mỗi tuần vẫn nghỉ học để đánh động dư luận thế giới là phải có hành động cấp thiết chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu. Và lần đầu tiên, giới trẻ trên toàn thế giới đồng loạt xuống đường để bảo vệ tương lai của mình, như lời của nam sinh người Đức Limus Steinmetz, 15 tuổi, được tờ Le Monde trích dẫn :
« Chúng tôi là thế hệ đầu tiên chịu tác động của biến đổi khí hậu và là thế hệ cuối cùng có cơ hội để tránh một thảm họa ».
Rõ ràng là với những kiến thức tiếp thu được trong học đường, giới trẻ ngày nay hoàn toàn có lý do để lo ngại cho tương lai, vì đến năm 2050, khi đến độ tuổi 50, chính họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của những thảm họa sinh thái không thể đảo ngược được, nếu nhân loại không cấp tốc có hành động ngay từ bây giờ.
Riêng tại châu Âu, nhân cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, giới trẻ tại Anh đã kêu gọi các nghị viên tương lai của nước này tham gia thực hiện một « Green New Deal » châu Âu, theo kiểu « New Deal » (Chính sách kinh tế mới) của Mỹ. Còn tại Pháp, các thanh niên, sinh viên học sinh đã thuyết phục được 45 ứng cử viên ký bản « tuyên bố chính thức công nhận tình trạng khí hậu khẩn cấp ».
Cho dù bị một số người chế giễu, xem thường, thậm chí cho là bị giật dây, giới trẻ châu Âu đã thành công trong việc đưa biến đổi khí hậu lần đầu tiên trở thành một trong những vấn đề trọng tâm đối với các chính đảng truyền thống trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu năm nay.
Theo hãng tin AFP, sự đồng thuận nay đã lên cao đến mức có người hy vọng các chính đảng sẽ hợp tác với nhau để có hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu. Nhưng một số người khác lại quan ngại là các đảng cực hữu, dân túy sẽ cản trở xu hướng tích cực này, đặc biệt là nếu họ chiếm thêm nhiều ghế tại Nghị Viện Châu Âu mới.
Trong số này phải kể đến đảng cực hữu AfD ở Đức, một đảng hoài nghi về biến đổi khí hậu, ủng hộ xe chạy diesel và nhà máy nhiệt điện chạy than. Đảng này tranh cử với lập luận rằng công cuộc chống biến đổi khí hậu sẽ khiến giá năng lượng tăng cao, xóa bỏ nhiều việc làm và gây tổn hại cho ngành công nghiệp.
Nhà phân tích Stella Schaller, được AFP trích dẫn, lo ngại các đảng tự do và đảng bảo thủ, vì muốn ve vãn thành phần cử tri dân tộc chủ nghĩa, cho nên sẽ đưa ra những đề nghị giống như các đảng dân túy. Ông Dara Murphy, giám đốc tranh cử của Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE), cánh hữu, khẳng định là đảng này sẽ không bao giờ thỏa hiệp với phe cực hữu trên vấn đề khí hậu, cũng như những vấn đề khác.
Thật ra vấn đề đặt ra bây giờ là các chính đảng có thật sự quyết tâm hành động vì khí hậu, hay họ đưa ra những hứa hẹn chỉ nhằm thu thêm phiếu cử tri ? Theo tờ Le Monde, trích lời nhà xã hội học Thụy Điển Mattias Wahlstrom, đại học Goterborg, giới trẻ tham gia phong trào « Friday for Future » cũng tỏ ra hoài nghi về quyết tâm và khả năng của các lãnh đạo chính trị thi hành các biện pháp khẩn cấp để chống biến đổi khí hậu.
Do vậy, thách đố lớn nhất của phong trào này là phải làm sao tồn tại lâu dài, nhưng không làm mệt mỏi công luận, khiến báo chí nhàm chán và khiến những người tham gia nản chí. Như lời của giáo sư Marc Hudson, đại học Manchester : « Cho dù còn rất ít thời gian, đây là một chạy đua marathon, chứ không phải đua nước rút ».
Nguồn: Thanh Phương/ RFI