Sản phẩm này không mới, nó đã ra đời và phát triển trong hơn 4 năm mà không gặp vấn đề gì lớn. Cho đến khi nó xuất hiện trong một bài đăng ngày 19/3 trên mạng xã hội Weibo, và được 2 trang truyền thông của nước này là Guancha.com và Global Times đưa tin, tin tức này đã thu hút một lượng lớn người xem, với 259.000 lượt trên Global Times.
Chỉ trong vài ngày, công ty Nam Phi sản xuất sản phẩm trên bắt đầu nhận được các tin nhắn bày tỏ sự giận dữ.
“Bạn đã nghĩ ra một cái tên khủng khiếp. Người Trung Quốc đang làm việc chăm chỉ để cải thiện đất nước và cuộc sống của họ, họ không có thời gian cho bạn. Người phân biệt chủng tộc lúc nào cũng có”, một người đã viết trên tài khoản Instagram của công ty bằng tiếng Trung vào ngày 18/3.
Đại diện của công ty có trụ sở tại Durban, Nam Phi nói với SCMP rằng công ty hoàn toàn bất ngờ trước phản ứng này.
“Chúng tôi không bao giờ lên kế hoạch để tạo ra một cuộc tranh cãi. Mọi thứ đều nói nó được sản xuất tại Trung Quốc. Vì vậy, khi bạn đặt tên cho sản phẩm: ‘Nó không được sản xuất tại Trung Quốc’ thì đó là một cách để gây ấn tượng. Phản ứng đầu tiên chúng tôi nhận được từ mọi người là họ coi nó như một trò đùa”, người đại diện nói với SCMP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Chai nước mang tên: "Vẫn là nước. Nó không được sản xuất tại Trung Quốc" . (Ảnh: Handout)
Trả lời những chỉ trích trên tài khoản Instagram của mình, công ty viết: “Nếu mỗi sản phẩm đều ghi ‘Nó được sản xuất tại Nam Tư’, chúng tôi sẽ ghi trên sản phẩm của mình là ‘Nó không được sản xuất tại Nam Tư’”.
Tuy nhiên, sau khi thấy phản ứng của cư dân mạng Trung Quốc, công ty đang cảm thấy áp lực phải đổi tên.
“Chúng tôi không muốn bắt đầu một cuộc chiến. Chúng tôi đã nghĩ đến cái tên Made in Madiba-Land”, người đại diện nói với SCMP, thêm rằng các giám đốc điều hành của công ty cảm thấy gần như bị bắt nạt khi làm như vậy. Madiba là tên bộ lạc của chính khách Nam Phi được yêu mến – Nelson Mandela.
Công ty này là thương hiệu nước ngoài mới nhất đã có hành vi được cho là xúc phạm đến cư dân mạng Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Trước đó, vào tháng 11/2018, thương hiệu thời trang cao cấp Dolce & Gabbana đã trở thành tâm điểm của cư dân mạng Trung Quốc sau khi chiến dịch quảng cáo của thương hiệu này bị cáo buộc có chứa các định kiến tiêu cực về người Trung Quốc.
Đầu năm nay, cả nhãn hiệu thời trang Zara và tạp chí Vogue của Mỹ đều gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc về các bộ ảnh có các người mẫu Trung Quốc không được coi là đẹp theo tiêu chuẩn của nước này.
Sau sự cố Zara, ấn phẩm China Youth Daily cảnh báo cư dân mạng không nên quá nhạy cảm. “Chúng ta không thể sử dụng sai khái niệm ’chống Trung Quốc’ và áp dụng nó sai dù ở mức độ hiểu biết nhỏ nhất. Điều này sẽ làm hư hại không gian đối thoại, là một mất mát cho toàn xã hội”.
Nguồn: Dân Trí