Đại sứ Nga tại Lebanon hôm 11/4 tuyên bố quân đội nước này tại Syria sẽ bắn hạ mọi tên lửa tấn công chính quyền Damascus, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó đe dọa rằng "tên lửa đẹp, mới và thông minh" đang tới Syria.
Theo các chuyên gia quân sự, nếu Mỹ phát động đòn tấn công nhắm vào Syria để đáp trả cáo buộc nước này sử dụng vũ khí hóa học và Nga thực hiện cam kết bảo vệ đồng minh của mình, không phận Syria sẽ chứng kiến màn đọ sức rất quyết liệt giữa tên lửa Mỹ với lá chắn phòng không Nga.
Bình luận viên Ben Brimelow của Business Insider cho rằng Nga đã xây dựng mạng lưới phòng không đa tầng rất mạnh, được ví như "vành đai thép" để bảo vệ không phận Syria.
Nga đang vận hành bộ đôi phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 và tầm xa S-400 tại Syria, cho phép bắn hạ các mục tiêu bay tầm thấp và tầm cao. Đây là những khí tài đặc biệt lợi hại nếu Moscow quyết định tham chiến để bảo vệ đồng minh Damascus trước đòn tập kích của Washington.
Pantsir-S1 có vai trò chính là phòng thủ điểm, bảo vệ một khu vực nhất định trước các mối đe dọa tầm thấp như tên lửa hành trình. Mỗi hệ thống Pantsir-S1 được trang bị hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm, tầm bắn 4 km với tốc độ khai hỏa tối đa 5.000 phát/phút, cùng 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 có khả năng diệt mục tiêu từ cách 20 km.
Hồi cuối tháng 1, Nga tuyên bố hệ thống phòng không tầm ngắn Pantsir-S1 sẽ được trang bị tên lửa mới có tên gọi "Gvozd" (Đinh ốc) chuyên đối phó mục tiêu nhỏ ở tầm thấp. Tên lửa mới có kích thước nhỏ bằng 1/4 đạn tên lửa 57E6, cho phép một ống phóng đạn chứa tới 4 quả Gvozd. Nhờ vậy, một xe chiến đấu Pantsir-S1 hoàn chỉnh có thể mang tối đa 48 quả đạn.
Tổ hợp Pantsir-S1 bảo vệ hệ thống S-400 ở căn cứ Hmeymim. Ảnh: AFP
Moscow cũng bố trí ít nhất 4 hệ thống S-400 Triumf ở Syria, cùng hai tổ hợp phòng thủ tên lửa đạn đạo S-300VM. Được thiết kế để đối phó mục tiêu tầm xa, S-400 sử dụng 4 loại tên lửa khác nhau với tầm bắn tối đa tới 400 km. Hệ thống S-400 có thể bám bắt tới 80 mục tiêu cùng lúc, tạo nên ô bảo vệ cho cả một khu vực địa lý rộng lớn. Mỗi đơn vị S-400 Nga tại Syria dường như sở hữu ít nhất 60 quả đạn đánh chặn các loại.
Lưới phòng không đa tầng của Nga có thể bảo vệ không phận quanh căn cứ Hmeymim, cũng như bao trùm khu vực rộng lớn trên Địa Trung Hải ở phía tây Syria. Trong đó, S-400 làm nhiệm vụ phòng thủ từ xa trước oanh tạc cơ, tiêm kích và tên lửa đạn đạo, còn Pantsir-S1 bảo vệ chính hệ thống S-400 trước tên lửa hành trình, tiêm kích bay bám địa hình và máy bay không người lái (UAV).
Tuy nhiên, Brimelow chỉ ra một điểm yếu trong "lá chắn thép" của Nga ở Syria, đó là số lượng không nhiều. Trong trường hợp Mỹ phóng đồng loạt lượng lớn tên lửa hành trình vào Syria, lưới phòng không Nga sẽ bị quá tải và không thể đánh chặn hết các mục tiêu.
Chuyên gia quân sự Ewen MacAskill từng ước tính rằng Mỹ có thể phóng tới 240 quả tên lửa Tomahawk để hủy diệt hoàn toàn năng lực không quân của Syria. Với số lượng tên lửa khổng lồ như vậy, Mỹ hoàn toàn có thể xuyên thủng ô phòng không của Nga ở Syria.
"S-400 thừa khả năng bắn hạ những quả tên lửa hành trình bay riêng lẻ. Tuy nhiên, nó rất dễ bị quá tải khi đối mặt với hàng trăm quả Tomahawk được phóng cùng lúc. Việc phải dùng hai quả đạn để bảo đảm bắn hạ một tên lửa khiến nó nhanh hết đạn dự trữ và mất hiệu quả chiến đấu", Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh, nhận định.
Xe phóng đạn của tổ hợp S-400 Nga tại căn cứ Hmeymim. Ảnh: Reuters. |
"Đối với Nga, mối lo ngại chính là một cuộc tập kích đường không quy mô lớn và kéo dài" , Jeffrey Edmonds, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, đánh giá.
Cuộc đối đầu giữa S-400 và tên lửa Tomahawk tại Syria nếu diễn ra sẽ đánh dấu lần đầu tiên hai vũ khí này đọ sức với nhau, đồng thời tác động sâu sắc đến chiến lược quân sự của Moscow và Washington.
"Màn thể hiện của S-400 tại Syria rất quan trọng với NATO, bởi nó liên tục gây lo sợ ở châu Âu. Nếu hệ thống này không thể ngăn chặn lượng lớn tên lửa Tomahawk, khả năng răn đe của Nga sẽ bị suy yếu đáng kể", chuyên gia Bronk nhận định.
Nguồn: Duy Sơn
VnExpress