Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong tháng 8.
Khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại đã trở nên ngày càng xa vời. Các tuyên bố qua lại về phía đối phương không làm các chỉ số kinh tế của Mỹ hay Trung Quốc tốt đẹp lên.
Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm 31/8 cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã giảm từ 49,7 trong tháng 7 xuống còn 49,5 trong tháng 8. Khi PMI ở mức dưới 50, có nghĩa hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp hoạt động sản xuất tại Trung Quốc suy yếu, qua đó cho thấy thêm dấu hiệu về sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 tiếp tục giảm. Đây là tháng thứ 15 liên tiếp con số này lao dốc, gắn liền với khoảng thời gian diễn ra cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung.
Tổng số lượng đơn hàng mới - tính cả trong nước và nước ngoài - tiếp tục giảm. Điều này phản ánh nhu cầu tiêu dùng trong nước vẫn chưa mạnh trở lại.
Số liệu thống kê cũng cho thấy các nhà máy tiếp tục cắt giảm việc làm trong tháng 8 giữa lúc viễn cảnh kinh doanh trở nên không chắc chắn.
Các diễn biến kinh tế bất lợi nói trên trong tháng 8 đã kéo tụt các nỗ lực của Bắc Kinh khi đã tung ra nhiều biện pháp kích thích kinh tế và nới lỏng tiền tệ.
Một số chuyên gia dự báo, trước thương chiến khó có khả năng đạt được thỏa thuận trong tương lai gần, dự kiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ còn tiếp tục giảm.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay. Tuy nhiên, thuế quan mới sẽ còn kéo tốc độ này xuống sâu hơn con số này. Đây sẽ là mức tăng trưởng yếu nhất của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới kể từ năm 1990.
Cuộc khảo sát của Bloomberg với sự tham gia của 14 nhà kinh tế học cho thấy, một khi được thực thi, mức thuế quan bổ sung 10% áp lên số hàng hóa Trung Quốc nói trên sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm so với năm trước.
Conference Board - một tổ chức tư nhân có uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu về kinh tế và kinh doanh - báo cáo rằng, các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ năm 1978 cho đến nay đều được thổi phồng do phương pháp thống kê.
Thực tế, có những thời điểm, con số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc thực tế thấp hơn tới 2% so với con số thực.
Dẫu sự chênh lệch thế nào, kinh tế Trung Quốc cũng đang ảnh hưởng mạnh mẽ bởi thương chiến. Mới đây, số liệu từ Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho thấy, Bắc Kinh đã phải chi 2,4 tỷ nhân dân tệ (khoảng 338 triệu USD) kể từ tháng 4/2019 để giúp 90 triệu người dân bị ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại. Người dân Trung Quốc thậm chí không đủ tiền để mua thực phẩm.
Lý do chính của việc phải chi tiền trợ cấp thực phẩm là vì giá thực phẩm tại Trung Quốc đang tăng mạnh. Lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 17 tháng qua vào tháng 7/2019.
Giá cả thực phẩm tăng trong bối cảnh đồng nhân dân tệ giảm giá càng khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc khó khăn.
Bất chấp các số liệu kinh tế yếu kém, Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố họ vẫn còn sự lựa chọn khác bên ngoài đàm phán thương mại với Mỹ.
"Động thái của Mỹ sẽ đặt ra một số thách thức đối với hoạt động xuất khẩu và nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nói chung, ảnh hưởng đó nằm trong tầm kiểm soát" - người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố khi đề cập tới gói thuế quan của Mỹ áp đặt lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ buộc phải trả đũa nếu Mỹ thực thi kế hoạch áp thuế quan mới". "Nếu Mỹ cứ ngoan cố làm theo cách của họ, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp trả tương xứng. Mỹ nên thay đổi hành động sai trái của họ" - ông Cao Phong tuyên bố nhưng không nói về việc Bắc Kinh sẽ đáp trả tương xứng như thế nào.
Mỹ cũng chịu thiệt nhưng sẽ tẩy chay Trung Quốc
Con số kinh tế tụt dốc không chỉ xảy ra với một mình Trung Quốc.
Đòn thuế quan mới của ông Trump sẽ khiến những người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ thiệt hại nặng. Giới doanh nghiệp đã đồng loạt gửi thư tới Tổng thống Mỹ kêu gọi ngừng áp đặt thuế quan mới.
Đánh thuế Trung Quốc, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,3% nhưng ông Trump vẫn kiên quyết.
Theo tính toán của Ngân hàng lớn nhất Mỹ JP Morgan, ví tiền của mỗi hộ gia đình xứ cờ hoa có thể sẽ mất 1.000 USD/năm do các mức thuế mới. Đây là điều các cử tri Mỹ sẽ không hài lòng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm sau.
Liên minh quốc gia những người đóng thuế Mỹ ước tính thuế bổ sung từ ngày 1/9 cũng sẽ làm GDP của Mỹ giảm 0,3% trong năm 2020.
Mức thuế mới đối với hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 1/9 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới người dân Mỹ thông qua chuỗi cung ứng và việc gây sức ép lên giá cả các mặt hàng.
Trong khi thương chiến khiến Trung Quốc tiêu tốn trợ cấp 338 triệu USD cho người dân, Mỹ cũng phải trợ cấp cho nông dân do ảnh hưởng từ thương chiến, con số này là 28 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại Mỹ- Trung, một trong những vấn đề nghiêm trọng đã được Tổng thống Trump nêu ra làm lý do để khai chiến thương mại với Trung Quốc đã ngày càng tăng lên.
Đầu tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại Mỹ- Trung đã tăng 8.4% lên 55,5 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,3% lên 266,2 tỷ USD, mức tăng lớn nhất trong hơn bốn năm qua, do người Mỹ mua nhiều ô tô, dầu thô, các sản phẩm bán dẫn và hàng hóa tiêu dùng hơn. Đáng chú ý là kim ngạch nhập khẩu ô tô và phụ tùng đạt mức cao kỷ lục với 33,2 tỷ USD.
Xuất khẩu cũng tăng nhưng ở mức chậm hơn, khoảng 2%, dù kim ngạch xuất khẩu hàng tiêu dùng cũng xác lập mức cao kỷ lục 18,1 tỷ USD.
Không thể phủ nhận cả Mỹ và Trung Quốc đều thiệt hại vì thương chiến, Tổng thống Mỹ vẫn thuyết phục lý do "đánh Trung Quốc" của ông, bất chấp các thiệt hại kinh tế. Ông Trump cho rằng, kể cả khi nền kinh tế Mỹ có chịu thiệt hại thì Mỹ vẫn phải "xử" Trung Quốc.
"Lẽ ra ai đó đã phải xử Trung Quốc. Đó là chuyện đáng lẽ phải làm xong rồi. Trung Quốc đã xé toạc nước Mỹ trong 25 năm qua, thậm chí còn lâu hơn thế nữa. Đã tới lúc phải cứng với Trung Quốc cho dù điều đó có xấu hay tốt cho nền kinh tế Mỹ"- ông Trumơ tuyên bố tại Nhà Trắng vào ngày 20/8.
Tổng thống Trump và nhiều quan chức Mỹ đã nhiều lần phàn nàn về cách hành xử "không theo luật chung" của Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Washington thậm chí còn cáo buộc Bắc Kinh có hẳn các chiến lược để đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Giới phân tích cho rằng, càng duy trì thương chiến, cả Mỹ và Trung Quốc đều bất lợi. Nhưng cho đến nay, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn còn những vấn đề chưa thể giải quyết trong thỏa thuận thương mại.
Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Mỹ song chưa rõ kế hoạch cụ thể.
Đông Phong
Nguồn: baodatviet.vn