Trung Quốc không công nhận quyền đi lại vô hại của tàu chiến trong lãnh hải của mình. Điều 6, trong Luật lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải năm 1992 của Trung Quốc yêu cầu tàu chiến đi vào lãnh hải của Trung Quốc phải được sự cho phép của Trung Quốc.

Luật hải cảnh mới của Trung Quốc có khả năng làm bùng nổ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông - thạc sĩ Phạm Ngọc Minh Trang, giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM, đánh giá.

42 1 Luat Hai Canh Trung Quoc Co The Gay Xung Dot My   Trung

Tàu hải cảnh Trung Quốc - Ảnh: AP

Hôm 22-1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký lệnh ban hành Luật hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) nước này dùng vũ khí nhắm vào tàu nước ngoài, sau khi dự luật này được thông qua tại hội nghị lần thứ 25 của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc.

Luật hải cảnh mới của Trung Quốc cụ thể hóa quyền sử dụng tất cả biện pháp cần thiết của hải cảnh, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực, để ngăn chặn hành vi mà Bắc Kinh cho là xâm hại vào các vùng biển mà mình quản lý.

Luật này cũng định nghĩa rằng các vùng biển Trung Quốc quản lý bao gồm các vùng biển Trung Quốc có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Như vậy, theo luật này, hải cảnh của Trung Quốc sẽ được sử dụng vũ lực đối với các tàu nước ngoài trong lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Trong đó, đáng lo ngại nhất là việc sử dụng vũ lực trong lãnh hải.

Đối với Mỹ, quyền đi lại vô hại của tàu chiến trong lãnh hải là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng của nguyên tắc "tự do biển cả" (freedom of the sea) mà Mỹ luôn nhấn mạnh và bảo vệ.

Đây là một trong những điểm bất đồng quan trọng giữa Washington và Bắc Kinh tại Biển Đông. Điều này cũng góp phần giải thích tại sao Trung Quốc luôn lên án các hoạt động "tự do hàng hải" (FONOP) của Mỹ quanh các thực thể mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mỹ sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động FONOP của mình tại Biển Đông. Và sau khi có Luật hải cảnh mới, hải cảnh của Trung Quốc được cụ thể hóa quyền sử dụng vũ lực đối với các tàu của Mỹ khi các tàu này đi lại bất chấp sự phản đối của Trung Quốc trong các vùng biển quanh các thực thể tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Điều này có khả năng sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ nghiêm trọng giữa lực lượng quân sự hai bên, làm tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng khi là tâm điểm của một cuộc xung đột trên biển.

Bắc Kinh vốn đã không dùng luật, giờ cũng vậy thôi!

Rõ ràng đây là một phép thử cho Mỹ và các nước. Tôi đoán hành động của Trung Quốc đã được triển khai trong thời gian dài, đặc biệt khi Bắc Kinh hiểu rõ lực lượng cảnh sát biển của mình lợi hại như thế nào, xét tới ý đồ thực thi các tuyên bố chủ quyền của mình trong lúc giữ tình hình dưới ngưỡng chiến tranh.

Trung Quốc đang hành động một cách khiêu khích vì họ đã tính toán rằng họ sẽ không dính trách nhiệm nhiều.

Luật của Trung Quốc mới ban hành cũng cho phép dùng vũ lực trục xuất các nước khác khỏi các thực thể mà Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền. Điều này sẽ lập tức ảnh hưởng tới Việt Nam.

Về mặt luật pháp, Luật hải cảnh của Trung Quốc đã hạ ngưỡng cho phép dùng vũ lực chết chóc, do đó chắc chắn nó có khả năng tạo ra bạo lực nhiều hơn. Nhưng phần còn lại đều hiểu rõ bản chất Trung Quốc vốn không quan tâm tới pháp quyền. Trước đây họ đã làm thế, và giờ họ sẽ tái lập điều đó theo những cách khác nhau. Đông Nam Á sẽ lo ngại và phẫn nộ.

Tiến sĩ Zachary Abuza (giáo sư tại Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ) - NHẬT ĐĂNG ghi.

Thạc sĩ PHẠM NGỌC MINH TRANG

Nguồn: tuoitre.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC