Bất chấp các tuyên bố cứng rắn, Nga tỏ ra kiềm chế trước cuộc tấn công Syria của liên quân Mỹ để tránh gây xung đột quy mô lớn.

Sau một tuần cân nhắc, Mỹ và đồng minh Anh, Pháp ngày 14/4 tiến hành cuộc tấn công tên lửa nhắm vào các mục tiêu ở Syria để đáp trả việc nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.

Cây bút Leonid Issaev của Al Jazeera nhận định việc lực lượng Nga không phản ứng dường như cho thấy Moskva đã chuẩn bị cho kịch bản Syria bị không kích, cũng như vạch ra phương án đối phó để không gây xung đột quân sự với Washington và các đồng minh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn trước cuộc tấn công, nhưng dường như kết quả của chiến dịch này lại khá khiêm tốn. Mỹ, Anh, Pháp huy động tàu chiến, tàu ngầm và máy bay phóng tổng cộng 105 tên lửa vào các mục tiêu ở Syria. Quân đội Syria đã đối phó bằng cách triển khai các hệ thống phòng không S-125, S-200, 2K12 Kub có từ thời Liên Xô, cùng tổ hợp Buk-M2E và Pantsir-S1 hiện đại.

Nga nói rằng Syria đã chặn được ít nhất 71 tên lửa của Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, Lầu Năm Góc khẳng định họ đã đánh trúng vào ba mục tiêu liên quan đến vũ khí hóa học ở Syria và không tên lửa nào bị bắn hạ.

Lý do Nga án binh bất động trước cuộc không kích Syria của Mỹ - 0

Các mũi tiến công của liên quân Mỹ trong đòn không kích Syria ngày 14/4. Đồ họa: Tiến Thành

Lãnh đạo Nga từng coi cuộc tấn công vào sân bay Al-Shayrat của Syria hồi tháng 4/2017 là giải pháp ít gây thiệt hại nhất, giúp ông Trump giải quyết nhiều rắc rối trong nước. Năm nay, Moskva cũng hiểu rằng cuộc tấn công vào Syria không hoàn toàn là đòn trừng phạt cho cáo buộc quân chính phủ sử dụng vũ khí hóa học ở Douma hay nỗ lực giải quyết xung đột Syria. Đó đơn giản là một hành động thể hiện sức mạnh quân sự.

Sự chậm chạp trong việc thực hiện các cuộc tấn công được Moskva đánh giá là biểu hiện của sự yếu đuối và thiếu quyết đoán, chỉ làm gia tăng thêm tự tin cho Nga. Điều này cho phép Moskva đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn mang tính đối đầu với Washington, trong khi vẫn duy trì đường dây nóng để bảo đảm đợt tấn công không gây thiệt hại cho lực lượng Nga tại Syria.

Các cuộc thảo luận giữa Nga và Mỹ dường như đã diễn ra trong vòng một tuần trước cuộc không kích. Sự tự tin của Moskva thể hiện ở việc phái đoàn nghị sĩ thuộc đảng nước Nga Thống nhất cầm quyền do tổng thư ký Andrei Turchack dẫn đầu có mặt tại Damascus ngay giữa thời điểm cuộc tấn công được tiến hành.

Cuối cùng, đợt không kích "hình thức" này được coi là giải pháp tối ưu cho cả Nga và Mỹ để làm dịu căng thẳng quanh vấn đề vũ khí hóa học ở Douma. Moskva giữ nguyên hiện trạng các bên ở Syria, còn Washington hoàn thành được lời hứa tung đòn trừng phạt.

Khả năng leo thang xung đột Mỹ-Nga ở Trung Đông từng được thảo luận rộng rãi kể từ khi Nga can thiệp quân sự vào Syria năm 2015. Trong thông điệp quốc gia năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc tới khả năng "trả đũa ngay lập tức" nếu Nga bị tấn công.

Lý do Nga án binh bất động trước cuộc không kích Syria của Mỹ - 1

Các tổ hợp phòng không được Nga bố trí tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Moskva cũng đe dọa trả đũa ngay trước khi Washington và đồng minh tiến hành cuộc tấn công vào Syria. Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov tuyên bố nước này sẽ có "biện pháp trả đũa nhằm vào các tên lửa và bệ phóng của chúng" nếu mạng sống binh lính Nga ở Syria bị đe dọa.

Tương tự đợt không kích năm ngoái, Moskva hoàn toàn án binh bất động, do đợt không kích không gây ảnh hưởng tới lực lượng Nga tại Syria. Dù có nhiều phát biểu cứng rắn, các lãnh đạo Nga tỏ ra rất cẩn trọng để xung đột không vượt quá giới hạn, gây bùng phát Thế chiến III.

 

Nguồn: Việt Hòa

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC