Singapore hiện đứng thứ 6 trong tổng số các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới năm 2017 theo khảo sát của Transparency International.
Những nhà lãnh đạo Singapore nổi tiếng thế giới vì được nhận mức lương cao so với nhiều quốc gia khác. Bởi vậy, việc nghị viện Singapore từ chối tăng lương cho các quan chức chính phủ gần đây là điều khá dễ hiểu.
Phó thủ tướng Teo Chee Hean cho biết nước này đã từ chối việc tăng lương 9% cho các quan chức. Việc xét duyệt tăng lương lần tới có thể kéo dài tới 5 năm sau.
Trong báo cáo gần đây, mức thu nhập của Thủ tướng Lý Hiển Long đã giảm 36% xuống chỉ còn 2,2 triệu Dollar Singapore (1,7 triệu USD) mỗi năm. Trong khi đó các bộ trưởng nước này chỉ thu được khoảng 1,1 triệu Dolla Sing (SGD), thấp hơn mức 1,58 triệu SGD năm 2011.
Dẫu vậy nếu so sánh với các đồng nghiệp Mỹ với mức thu nhập bình quân 210.700 USD/năm, những quan chức Singapore vẫn có thu nhập cao hơn 1/4.
Tại Singapore, mọi người có quan điểm rằng mức lương cao sẽ giúp các quan chức tránh được nạn tham nhũng, hối lộ cũng như thu hút và giữ chân được các nhân tài. Dẫu vậy, mức lương của các quan chức tại đây đã bị cắt giảm sau khi các cử tri không hài lòng do khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gia tăng, qua đó làm giảm tỷ lệ ủng hộ với đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2011.
Bất chấp điều đó, Singapore vẫn đứng thứ 6 trong tổng số các quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới năm 2017 theo khảo sát của Transparency International (TI).
Xếp hạng không tham nhũng ở các quốc gia
Quốc gia sạch tham nhũng
Báo cáo mới nhất của TI cho thấy Singapore đạt 84 điểm, đứng thứ 6 trên tổng số 180 quốc gia về tính minh bạch trong quản lý đất nước. Nếu xét tại Châu Á Thái Bình Dương, Singapore chỉ đứng thứ 2 sau New Zealand.
Một trong những điểm mạnh khiến Singapore hạn chế được tình trạng tham nhũng là mức lương cao như đã nói ở trên. Ban đầu nhiều người dân phản đối chính sách này bởi lo ngại chúng sẽ tạo nên tiền lệ hưởng thụ trong hàng ngũ quan chức. Dẫu vậy, việc Singapore có tỷ lệ tham nhũng thấp đã chứng minh được quyết định đúng đắn của chính phủ cho việc nâng lương cán bộ công chức.
Kể từ năm 1973 đến nay, thu nhập của các công chức, kể cả cấp thấp, luôn được điều chỉnh nhằm thu hẹp khoảng cách so với mảng tư nhân. Bất cứ khi nào những công việc lương cao như kế toán, luật sư, bác sĩ… tăng thu nhập là công chức sẽ được tăng lương theo.
Ngoài ra, Singapore cũng thực hiện các chính sách giám sát chặt chẽ nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống quan chức nhà nước.
Mức lương của các cán bộ được đánh giá hàng năm, phụ thuộc vào mức độ hiệu quả công việc, qua đó thúc đẩy cạnh tranh cũng như chống tham nhũng.
Mức lương Thủ tướng Lý Hiển Long năm 2015 cao hơn nhiều nhà lãnh đạo khác
Hơn nữa, hàng tháng các công chức phải trích 5% tỷ lệ tiền lương cho quỹ tiết kiệm và họ sẽ được nhận lại khi nghỉ hưu. Tuy nhiên số tiền này sẽ mất trắng nếu họ bị đuổi khỏi ngành.
Hàng năm, công chức tại Singapore cũng phải khai báo tài sản không chỉ của bản thân mà còn cả vợ chồng người thân.
Theo quy định, họ không được phép vay vượt quá 3 tháng lương từ chính phủ và khi tài sản tăng lên phải đi kèm giải trình.
Trong vấn đề quà cáp, quan chức Singapore không được nhận quà hay tiền có giá trị hơn 100 SGD nếu không muốn bị xử lý hình sự.
Nhờ những quy định chặt chẽ này mà số vụ tham nhũng do Cục điều tra tội phạm tham những Singapore (CPIB) giải quyết trong năm 2016 ở mức thấp nhất trong 32 năm trước đó.
Số vụ tham nhũng Singapore xử lý năm 2016 thấp nhất trong 32 năm
Di sản của Thủ tướng Lý Quang Diệu
Trên thực tế, Singapore đã có Luật chống tham nhũng và CIPB từ trước khi ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng nhưng chúng hầu như không hiệu quả, nhất là trong thời kỳ thực dân Nhật chiếm đóng.
Chỉ đến khi Thủ tướng Lý Quang Diệu lên nắm quyền thì tình hình mới có chuyển biến.
Quyền lực của CIPB được mở rộng khi có thể bắt giữ bất kỳ công chức nào, thậm chí cả gia đình họ, nếu thấy có nghi vấn. Thêm vào đó, CIPB được tách ra khỏi ngành cảnh sát cũng như bộ tư pháp nhằm tránh bị dính tham nhũng. Hiện PICB trực thuộc văn phòng thủ tướng và hoạt động độc lập.
Hơn nữa, những cải cách về tư pháp và tòa án cũng góp phần khiến công cuộc chống tham những tại đây dễ dàng hơn.
Các quyết định nhân sự được công khai trên truyền thông kèm thành tích của cán bộ được điều chuyển, những phiên tòa tham những luôn được xét xử công khai, minh bạch.
Nhờ những cố gắng của Cố thủ tướng Lý Quang Diệu và những nhà lãnh đạo Singapore, tệ nạn tham nhũng ở đây đã giảm thiểu đến mức thấp nhất so với nhiều nước láng giềng ở khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: Thời Đại