Cho dù kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ có như thế nào thì Tổng thống Trump vẫn còn có… Paris và Emmanuel Macron.

Chỉ ba ngày sau khi cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ diễn ra (6/11 – giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump sẽ bay tới Pháp để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày kết thúc Thế chiến lần thứ Nhất. Cùng đi với ông là một số quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump.

Trang Politico nhận định, đó rất có thể sẽ là một chuyến đi giúp người đứng đầu nước Mỹ tạm thời thoái khỏi “nỗi buồn” về kết quả bầu cử. Ngoài ra, ông Trump cũng sẽ có cơ hội tái tập trung vào chính sách đối ngoại của mình, sau một chiến dịch giữa kỳ chủ yếu nhằm vào các vấn đề đối nội.

Ông chủ Nhà Trắng có thể sẽ gặp gỡ người đồng cấp nước Nga Vladimir Putin tại Pháp (mặc dù trong tuyên bố mới nhất, ông Trump đã để ngỏ khả năng này). Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần như chắc chắn sẽ muốn thảo luận về các lệnh trừng phạt mới từ Mỹ đối với Iran – mới có hiệu lực vào ngày 5/11 vừa qua.

42 1 Mac Song Gio Bau Cu Tong Thong Trump Bo Washington Tim Vui O Paris

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và vợ chống Tổng thống Donald Trump tại Paris năm 2017 (ảnh: SCMP)

Hai tuần sau khi trở về từ Pháp, Tổng thống Trump sẽ có chuyến công du nước ngoài tiếp theo tới Bueno Aires (Argentina), tham dự thượng đỉnh G20. Tại đây, ông dự định có cuộc đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với hy vọng có thể phần nào tháo gỡ những căng thẳng đang leo thang trong cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước.

Các chuyên gia ngoại giao dự đoán, trong trường hợp Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ, ông Trump sẽ cố gắng chuyển hướng cuộc đối thoại tại Paris sang chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Điều này sẽ giúp ông “nhắc nhở” phần còn lại của thế giới rằng, mình vẫn là Tổng Tư lệnh của nước Mỹ bất chấp kết quả bầu cử có ra sao.

“Tổng thống Trump sẽ đổ lỗi cho Paul Ryan [Chủ tịch Hạ viện Mỹ – pv], chúc mừng Mitch McConnell [Lãnh đạo đa số Thượng viện Mỹ – pv], lên máy bay đi Paris, và vẫn nói: ‘Tôi là vua của thế giới’… Nếu ông Trump thua tại cả hai Viện, khả năng dẫn dắt chính trường quốc tế của ông sẽ bị giới hạn cực kỳ lớn”, Wendy Sherman, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định.

“Nếu ông Trump thua tại cả hai Viện, khả năng dẫn dắt chính trường quốc tế của ông sẽ bị giới hạn cực kỳ lớn.-Wendey Sherman”

Chính sách đối ngoại luôn là một cái cớ để các Tổng thống “đối phó” với scandal hoặc thái độ không ủng hộ từ Quốc hội. Tổng thống Mỹ có quyền lực rộng lớn để chỉ đạo ngoại giao và quân đội mà không cần Quốc hội thông qua. Nếu Đảng Dân chủ giành kiểm soát Hạ viện, ông Trump có thể giành nhiều công sức hơn cho các vấn đề như đàm phán hạt nhân với Triều Tiên và chiến dịch “gây sức ép” tối đa lên Iran.

Nói về cuộc hội ngộ của ông Trump với Tổng thống Macron – người từng tới Nhà Trắng hồi tháng Tư, theo giới phân tích, hai nhà lãnh đạo Mỹ, Pháp sẽ thảo luận về thương mại và thuế quan, biến đổi khí hậu, nhập cư và mối quan hệ với Nga.

Ông Macron gần như chắc chắn sẽ bày tỏ những bất mãn về các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran. Paris e ngại, sức ép này có thể khiến Tehran từ bỏ thỏa thuận hạt nhân 2015 mà ở đó, Pháp đóng một vai trò quan trọng trong suốt quá trình thương lượng.

Các đồng minh châu Âu hiện đang nỗ lực tìm cách để tránh né lệnh trừng phạt mà Mỹ nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran. Thứ Sáu tuần trước (2/11), các quan chức hàng đầu của Pháp, EU, Đức và Anh đã đồng loạt lên án lệnh trừng phạt mới trong một thông cáo chung. Họ cho rằng, việc Mỹ trừng phạt Iran sẽ không thể đem lại những kết quả theo cách giống như thỏa thuận hạt nhân 2015 đã làm.

“Ông Trump nên đi Warsaw hay Budapest, thay vì Paris”

42 2 Mac Song Gio Bau Cu Tong Thong Trump Bo Washington Tim Vui O Paris

Tổng thống Trump rất ấn tượng với cuộc diễu hành năm 2017 tại Paris (ảnh: SCMP)

Chuyến công du của ông Trump tới châu Âu diễn ra vào thời điểm châu lục này đang phải vật lộn với những thay đổi chính trị lớn – từ quyết định không tái tranh cử của Thủ tướng Đức Angela Merkel, hạn chót vào tháng Ba dành cho nước Anh trong cuộc thương thảo Brexit với EU, cho tới tỷ lệ ủng hộ ông Macron bất ngờ sụt giảm…

“Tất cả các đối tác chủ chốt của Mỹ tại châu Âu đang bị phân tán bởi các vấn đề nội bộ. Đó là một thách thức. Tuy nhiên, điều này lại cũng có thể rất phù hợp cho Tổng thống Trump. Nhiều khả năng sẽ có ít phản đối hơn trong những lĩnh vực mà lập trường của ông Trump đối lập với lợi ích của châu Âu”, Anthony Blinken, cựu Thứ trưởng Ngoại giao và Phó cố vấn An ninh Quốc gia dưới thời Obama, chỉ ra.

“Bạn bè thực sự của Tổng thống Trump là ở Nam và Trung Âu. Đó là những nơi mà Mỹ có thể có ảnh hưởng. – James Carafano”

Tuy nhiên, chuyến đi tới Paris cũng sẽ là một khoảng thời gian “thư giãn” cần thiết cho ông Trump. Tổng thống Mỹ từng tỏ ý rất thích cuộc diễu hành truyền thống Ngày Bastille tại Paris vào tháng Bảy năm ngoái.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times sau sự kiện, ông ca ngợi: “Đó là một trong những cuộc diễu hành đẹp nhất mà tôi từng chứng kiến”. Ông Trump thậm chí từng muốn tổ chức một sự kiện tương tự tại Pennsylvania nhằm tôn vinh các cựu chiến binh Mỹ; tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đổ bể do mức chi phí dự tính lên tới 90 triệu USD.

Nhiều khả năng, ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ tạm thời tránh được một loạt các cuộc điều tra tiềm năng nếu Đảng Dân chủ “lấy lại được” Hạ Viện. Ngoài ra, một chiến thắng của các nghị sỹ Dân chủ cũng có thể khiến các chính sách đối ngoại và thương mại của ông Trump gặp phải khó khăn.

“Cả hai đảng đều ủng hộ cho thái độ cứng rắn với Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là theo cách mà Tổng thống đang làm. Việc chúng ta xử sự với Trung Quốc như thế nào sẽ rất được chú ý”, Sherman đưa ra một ví dụ.

Theo Politico, cho dù Tổng thống Trump có hài lòng với chuyến đi châu Âu của mình như thế nào chăng nữa, thì tỷ lệ ủng hộ ông tại Pháp cũng như trên toàn Tây Âu, cũng đang khá thấp.

Một số thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng, Tổng thống Mỹ nên đến thăm các nước như Ba Lan, Hungary và Italy – nơi chính phủ đang được điều hành bởi những lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy, tương tự như ông Trump.

“Bạn bè thực sự của Tổng thống Trump là ở Nam và Trung Âu. Đó là những nơi mà Mỹ có thể có ảnh hưởng,” James Carafano, một cựu quan chức Mỹ trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, đồng thời là một học giả đối ngoại từ Quỹ Di sản, cho biết.

“Người châu Âu sẽ không thay đổi những gì họ nghĩ về ông Trump”, Carafano phân tích. “Nếu ông ấy muốn đạt được điều gì đó, ông ấy nên tới Warsaw và Budapest, chứ không phải Paris”.

Nguồn: Minh Đức

Tơ Quốc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC