Ngay cả khi dũng cảm đứng lên giành công lý, nạn nhân bị hiếp dâm tại Ấn Độ vẫn gặp rất nhiều khó khăn
Trong vụ bạo lực quét qua bang miền tây Ấn Độ Gujarat năm 2002 giết chết hơn 1.000 người, cô Bilkis Bano, khi đó đang mang thai 3 tháng, đã bị hiếp dâm tập thể. Cô con gái 3 tuổi của cô khi đó cũng bị sát hại dã man.
Vụ việc đã trôi qua gần 2 thập kỷ, nhưng mãi đến ngày 23/4 vừa qua, Tòa án Tối cao Ấn Độ mới đưa ra mức bồi thường thích đáng cho cô Bano, sau khi cô đã từ chối khoản bồi thường 500.000 rupee hồi tháng 3. Theo quyết định này, chính quyền bang Gujarat sẽ phải bồi thường cho Bano 5 triệu rupee (tương đương 1,67 tỷ VNĐ), một công việc và một ngôi nhà.
Mức bồi thường lên tới 5 triệu rupee vừa được đưa ra cho một nạn nhân bị hiếp dâm có thể sẽ mở ra hy vọng mới cho những nạn nhân khác
"Đây là một mức bồi thường tối đa mà chưa có một tòa án nào tại Ấn Độ từng đưa ra cho tội hiếp dâm hay bạo hành tập thể", ông Shobha Gupta - luật sư của cô Bano chia sẻ. Ông gọi đây là một "phán quyết lịch sử".
Theo ông Gupta, khoản bồi thường bằng tiền mặt cho nạn nhân bị hiếp dâm trong phán quyết này cao gấp gần 5 lần so mức bồi thường cao nhất mà một nạn nhân bị hiếp dâm ở đông bắc Ấn Độ nhận được trước đó là 1,3 triệu rupee.
Luật sư Gupta nhận định: "Khi các quyết định bồi thường như thế này được thông qua, vậy bạn sẽ có một tia hy vọng. Vì rõ ràng nó gửi đến một thông điệp rằng: Có những tòa án thực sự vẫn tồn tại và công lý vẫn có thể thắng thế".
Năm 2018, Tòa án Tối cao Ấn Độ từng phê duyệt một kế hoạch bảo đảm những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục sẽ được bồi thường lên tới 1 triệu rupee. Tòa khẳng định, số tiền bồi thường này rất quan trọng trong việc chăm sóc và phục hồi sức khỏe của nạn nhân bị hiếp dâm.
Các nhà hoạt động và luật sư cho biết, thái độ bảo thủ ở Ấn Độ khiến nạn nhân bị hiếp dâm thường bị gia đình và cộng đồng xa lánh. Đồng thời, họ thường đổ lỗi hành động đó là do bạo lực.
Nhiều nạn nhân bị hiếp dâm thậm chí còn bị chính gia đình mình tẩy chay và không thể chi trả các khoản án phí để đấu tranh cho công lý trong một hệ thống tư pháp có nguồn lực hạn chế, nơi mà có thể sẽ phải mất rất nhiều năm để buộc những kẻ thủ ác phải nhận bản án cuối cùng.
Trên thực tế, kể từ sau vụ hãm hiếp tập thể một sinh viên ở New Delhi gây chấn động năm 2012, dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình trong nước, Ấn Độ đã tăng cường luật pháp về tấn công tình dục. Tuy nhiên, những nạn nhân bị hiếp dâm đủ can đảm để đến báo với cơ quan chức năng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, từ thế lực cảnh sát thù địch, đến việc sai sót trong kiểm tra sức khỏe và pháp y, hay công tác điều tra, khả năng truy tố yếu kém...
Malini Ghose, một nhà hoạt động vì nữ quyền, chia sẻ: "Phụ nữ Ấn Độ vẫn sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh lớn để giành lấy công lý. Nhưng chúng tôi hy vọng, điều này (mức bồi thường kỷ lục trên) sẽ giúp hành trình đấu tranh này trở nên dễ dàng hơn cho tất cả những người phụ nữ khác... và cho hàng ngàn người phụ nữ khác đang gõ cửa công lý".
Về phần mình, Bano chia sẻ, cuộc đấu tranh cho công lý của cô đã kéo dài quá lâu và như một cơn ác mộng. Cô muốn sử dụng số tiền bồi thường để giúp đỡ những chị em phụ nữ khác cũng đang phải đi tìm công lý như cô. Cô dành mọi nỗ lực này cho cô con gái đã bị sát hại của mình.
"Điều đó đã ám ảnh tôi theo cách mà tôi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có thể diễn tả nổi", Bano nói khi vợ chồng cô đều rưng rưng, "Nhưng... thông qua giúp đỡ người khác, con gái tôi sẽ sống mãi trong chính cuộc sống của những đứa trẻ khác".
Trà Li (Theo The Japan Times)
Nguồn: phunuvietnam.vn