Trong khuôn khổ cuộc tập trận “Người bảo vệ Thái Bình Dương 2020” (Pacific Defender 2020) do quân đội Mỹ tiến hành vào trung tuần tháng 9, binh sĩ Mỹ đã diễn tập mô phỏng đánh chiếm đảo quy mô lớn, sử dụng tên lửa tầm xa, tấn công mục tiêu giả định tàu Trung Quốc, theo NTD.
Nhà báo quân sự người Mỹ David Axe đã có bài viết về cuộc tập trận này đăng trên Forbes hôm 17/9. Theo ông, các cuộc tập trận tháng 9, rải rác trên hàng triệu dặm vuông của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, dường như có vẻ riêng lẻ. Nhưng hãy cộng chúng lại với nhau thì thấy rõ ràng các cuộc tập trận này đang thực hành một chiến dịch tấn công đảo do quân đội chỉ huy nhắm vào các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Soái hạm Mỹ USS Ronald Regan ở Biển Philippines trong cuộc tập trận Lá chắn dũng cảm 2020 (ảnh: Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ/ creative.commons).
Người bảo vệ Thái Bình Dương 2020 là cuộc diễn tập phối hợp lục quân Mỹ làm chủ liên hợp tác chiến. Tình huống huấn luyện là một khi xảy ra sự cố ở Tây Thái Bình Dương, quân đội Mỹ có thể bị đặt vào tình trạng khẩn cấp, từ Mỹ quốc sẽ khẩn trương điều động một sư đoàn đến Thái Bình Dương, đổ bộ lên các đảo, kết hợp tác chiến chiếm đảo và kìm hãm kẻ địch.
Bài báo cho biết, cuộc tập trận này kéo dài từ đảo quốc Palau đến quần đảo Aleutian ở Alaska, tức là xuyên Thái Bình Dương từ chuỗi đảo thứ 2 đến chuỗi đảo thứ 3. Toàn bộ khoảng cách diễn tập trải dài trong phạm vi 8.000 km. Ngoài hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) được chuyển tới đảo Aleutian, hệ thống tên lửa tầm xa cũng được đưa tới khu vực.
Theo mô tả của Axe, đầu tiên, các máy bay không vận của Không quân Hoa Kỳ hạ cánh xuống một đường băng đơn giản trên một hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, từ trong bụng máy bay binh lính Mỹ túa ra với đầy đủ trang bị. Một tàu đổ bộ cập vào hòn đảo để chuyển xuống các bệ phóng tên lửa. Một tuần sau, lực lượng lính dù của Lục quân đã đổ bộ xuống quần đảo Aleutian ở Alaska. Các máy bay chiến đấu tàng hình của Không quân Hoa Kỳ bay trên đầu, và sau đó các máy bay vận tải gửi thêm vũ khí tới trận địa.
Cuộc tập trận Những người bảo vệ Thái Bình Dương 2020 nằm trong chuỗi các cuộc tập trận quy mô lớn của quân đội Mỹ với chi phí khoảng 300 triệu USD mỗi năm với hàng chục nghìn binh lính Mỹ tham gia
Bài báo cho biết, ngoài Đài Loan, Biển Đông là khu vực dễ xảy ra xung đột khu vực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vì thế, các cuộc tập trận hôm nay là để đáp ứng với các điều kiện trong tương lai, dự phòng trước cho các vấn đề có khả năng phát sinh. Hiện tại, có vẻ như kẻ thù trong tưởng tượng không không ai khác chính là ĐCSTQ, theo NTD.
Ngoài ra, cuộc tập trận Lá chắn dũng cảm (Valiant Shield) của quân đội Hoa Kỳ vào ngày 19/9 đã tiến hành diễn tập đánh chặn mục tiêu tên lửa chống hạm nhằm vô hiệu hóa đòn tấn công của đối phương. Cuộc tập trận này đã chứng kiến sự tham gia của nhiều tàu chiến, gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu tấn công đổ bộ USS America, 100 máy bay và 11.000 quân nhân từ các lực lượng. Lá chắn dũng cảm là cuộc tập trận quy mô lớn được tổ chức 2 năm một lần bắt đầu từ năm 2006. Cuộc tập trận nhằm đánh giá khả năng phản ứng nhanh của quân đội Mỹ, bảo vệ lợi ích quốc gia và giành chiến thẳng trước bất kỳ kẻ thù nào. Lá chắn dũng cảm chính là cốt lõi của Học thuyết tác chiến Không – Biển (Air – Sea Battle Operational Concept) mà Mỹ đang triển khai đến châu Á –Thái Bình Dương.
Tàu Hải quân Hoa Kỳ tập trận ở Biển Philippine trong khi tham gia tập trận Lá chắn dũng cảm 2020 (ảnh: Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ/ creative.commons).
Ngày 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã có bài phát biểu tại RAND Corp., nói rằng, trong thời đại cạnh tranh quyền lực lớn như hiện nay, Bộ Quốc phòng Mỹ đặt ĐCSTQ lên vị trí nguy cơ hàng đầu, sau đó là Nga, và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là chiến trường chính. Ngoài ra, với việc Bắc Kinh gây hấn và coi thường các cam kết của họ ở trên Biển Đông và Hoa Đông, chẳng hạn như vụ đánh chìm tàu Việt Nam và các đội tàu cá Trung Quốc xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và Philippines là những ví dụ khác về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm định hình lại và phá hoại trật tự quốc tế vốn mang lại lới ích cho các quốc gia lớn và nhỏ. Ông cũng đề cập rằng chiến lược quốc phòng của Mỹ bao gồm ba trụ cột chính: sẵn sàng chiến đấu, tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác, và hiện đại hóa.
Ngày 14/9, trong khuôn khổ tập trận Người bảo vệ Thái Bình Dương 2020, quân đội Mỹ đã tiến hành tập trận nhảy dù tại Khu vực huấn luyện Donnelly, Alaska nhằm tăng cường khả năng đối phó với các nguy cơ an ninh tiềm tàng.
Binh sĩ thuộc “Lữ đoàn Spartan” nhảy dù đổ bộ xuống Khu vực Huấn luyện Donnelly, Alaska hôm 14/9 (ảnh: Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Hoa Kỳ/ creative.commons).
Trước đó, vào ngày 11/9, Quân đội Mỹ công bố ký thỏa thuận quân sự với Bộ trưởng Quốc phòng Maldives. Tuyên bố cho biết, hai bên tái khẳng định cam kết thiết lập một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở nhằm thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của tất cả các quốc gia trong khu vực, động thái này được xem là và một lần nữa nhắm trực tiếp vào ĐCSTQ.
Lục quân Hoa Kỳ cũng có kế hoạch đầu tư cho quân đội ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong năm tài chính 2021. Dự kiến ngân sách cho khu vực này sẽ cao hơn kế hoạch cao hơn ngân sách cho tập trận Những người bảo vệ châu Âu 2020, lên tới 364 triệu đô la Mỹ.
Ngân sách của tập trận Những người bảo vệ châu Âu 2021 sẽ giảm xuống còn 150 triệu đô la Mỹ. Hiện tại, Quân đội Hoa Kỳ đã triển khai 85.000 quân thường trực ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Điều đó nêu bật tầm quan trọng của việc Quân đội Hoa Kỳ tập trung tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Người bảo vệ” lần lượt ở hai khu vực quan trọng.
Hương Thảo - DKN.TV