Theo giáo sư của trường đại học ở Anh, sau nhiều năm bị Trung Quốc làm suy yếu sức mạnh, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang quay trở lại. Đầu tiên phải kể tới việc Washington gây áp lực buộc Bắc Kinh thay đổi chính sách thương mại bảo hộ và gián điệp công nghiệp. Chính quyền Trump đã thẳng thắn truyền đi thông điệp rằng nếu không muốn trả giá đắt thì Trung Quốc phải thay đổi.
Bên cạnh đó, các cơ quan an ninh của Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh và các quốc gia khác đã đưa ra cảnh báo chống lại tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc với lý do, thiết bị của tập đoàn này có thể được dùng để thu thập thông tin tình báo phục vụ Bắc Kinh.
Không chỉ dừng lại ở đó, Canada đã cho bắt giữ CFO Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập Huawei theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Ở châu Âu, một nhân viên của Huawei cũng đã bị Ba Lan bắt giữ vì cáo buộc làm gián điệp.
Tổng thống Trump và các lãnh đạo EU trong một phiên họp. (Ảnh: Cubasi)
Cũng trong năm ngoái, các tổ chức nghiên cứu lớn bao gồm Viện Mercator ở Berlin, Hiệp hội Châu Á ở New York và Viện Dịch vụ Hoàng gia ở London đã công bố các báo cáo chi tiết về “chính sách gây ảnh hưởng” của Trung Quốc ở các nước dân chủ thông qua các tác động từ phương diện chính trị, giáo dục, truyền thông và xã hội dân sự.
Các nghị sĩ Hoa Kỳ đã dẫn đầu một cuộc chiến chống lại việc Trung Quốc sử dụng tiền bạc mua chuộc hòng phá vỡ những nền tảng của tự do học thuật. Các trường đại học ở phương Tây đã bị đưa vào thế phải chào đón con ngựa thành Trojan – viện Khổng Tử, một phương tiện để Bắc Kinh truyền bá những điều mà họ tô vẽ và bóp méo lịch sử.
Bằng những lập luận sắc bén và mạnh mẽ, các nghị sĩ Mỹ đã chỉ ra bản chất của những viện này, và tới nay các viện Khổng Tử đã phải thu hẹp phạm vi hoạt động.
Trung Quốc trả đũa
Trung Quốc có một kế hoạch khác để thu lợi và gây ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới, nhằm từng bước đạt được tham vọng của mình đó là: Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhiều nước nhận đầu tư thông qua “sáng kiến” này của Trung Quốc đã lần lượt mắc “bẫy nợ” của Bắc Kinh.
Điển hình là trường hợp của Sri Lanka, quốc gia Nam Á này sau khi không thể trả được các khoản nợ đã phải trao cảng Hambantota chiến lược cùng 15.000 mẫu đất xung quanh cảng cho Trung Quốc sử dụng trong 99 năm. Điều tương tự cũng xảy ra với nhiều nước châu Phi như Zambia khi phải trao quyền kiểm soát sân bay quốc tế cho Bắc Kinh, hay Kenya cũng đang có nguy cơ mất cảng Mombasa, một cảng chính của nước này, vào tay Trung Quốc.
Vành đai và Con đường cũng đã vào châu Âu và Thái Bình Dương, hiện có 14 nước thuộc EU đã nhận nguồn vốn đầu tư của nó.
Nhận ra những rủi ro, hôm thứ Ba (12/3) EU đã có động thái “điều chỉnh lại” quan hệ với Trung Quốc bằng việc cho công bố một báo cáo chiến lược “ứng phó” với quốc gia Đông Á. Các khẳng định được thể hiện trong báo cáo hoạch định chiến lược của Ủy ban châu Âu đưa cách tiếp cận của Brussels đối với Bắc Kinh gần hơn với cách đánh giá của Hoa Kỳ về Trung Quốc – coi quốc gia đầy tham vọng ở Châu Á là một đối thủ chiến lược lớn, theo WSJ.
Ở Thái Bình Dương, cùng với Úc, New Zealand cũng đã gia nhập nhóm các nước phương Tây chống Huawei. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy những động thái trả đũa của Bắc Kinh. Theo Latimes, Trung Quốc đã hủy chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, tới nước này và ngắt ngang một dự án hợp tác du lịch giữa hai nước đã được quảng bá rộng rãi trước đó.
Nữ giáo sư Anne-Marie Brady của Đại học Canterbury, sau khi viết bài nói về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở New Zealand, đã bị quấy nhiễu bởi một loạt các hành động đe dọa tới an toàn của bà và người thân trong gia đình.
Ở một tình huống tương tự, hồi tháng Hai, Trung Quốc đã hủy chuyến thăm của bộ trưởng tài chính Anh, Philip Hammond, sau khi người đồng cấp của ông ở bộ quốc phòng, Gavin Williamson, tuyên bố sẽ triển khái tàu sân bay mới, HMS Queen Elizabeth, tới Biển Đông.
Một trường hợp tồi tệ hơn, Theo Latimes, dưới sức ép của Bắc Kinh, Na Uy đã ký với Trung Quốc một hiệp ước hữu nghị, trong đó có điều khoản cho thấy quốc gia Bắc Âu phải chấp nhận việc lạm dụng nhân quyền của đối tác.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực đáp trả của Bắc Kinh, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đã bắt đầu bị thu hẹp khi các nước phương Tây tìm được tiếng nói chung trong việc đẩy lùi tham vọng của Trung Nam Hải, với một giọng điệu rõ ràng và mạnh mẽ hơn, giáo sư Ringen nêu quan điểm trong phần kết luận của bài viết.
Nguồn: Trí Dũng
DKN.tv