Một chiếc thuyền chở những người Rohingya tìm cách đi khỏi Myanmar hồi năm 2015 - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters ngày 10-8 xác nhận việc một máy bay không người lái (drone) đã tấn công đoàn người thuộc nhóm thiểu số Hồi giáo Rohingya ở Myanmar, khiến hàng chục người thiệt mạng hôm 5-8.
Trước đó, nhiều đoạn video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy rất nhiều tử thi nằm rải rác trên nền bùn đất bên cạnh rất nhiều vali và ba lô.
Máy bay không người lái tấn công đoàn người tị nạn, hàng chục người tử vong ở Myanmar
Reuters xác nhận vị trí đoạn video được quay là thị trấn Maungdaw thuộc bang Rakhine, Myanmar.
Bốn nhân chứng, một số nhà hoạt động và một nhà ngoại giao khẳng định với Reuters rằng đoàn người trên bị drone tấn công khi đang chờ đến lượt vượt qua biên giới Myanmar - Bangladesh để trốn khỏi cảnh bạo lực ở Rakhine.
Trong số nạn nhân bị tấn công có nhiều trẻ em và phụ nữ có thai. Anh Mohammed Eleyas (35 tuổi) cho biết người vợ sắp sinh và đứa con gái 2 tuổi của mình bị thương nặng bởi cuộc tấn công và tử vong sau đó.
Anh Eleyas chia sẻ với Reuters: "Tôi đang đứng ngoài bờ sông (Myanmar và Bangladesh có biên giới tự nhiên là sông Naf) thì drone bắt đầu đến. Tôi nghe liên tục nhiều tiếng nổ đinh tai".
Anh Eleyas vội nằm xuống đất để bảo vệ bản thân. Khi đứng dậy, anh đã thấy vợ con mình bị thương nặng và rất nhiều người thân thiệt mạng. Hiện anh Eleyas đã an toàn đến một trại tị nạn ở Bangladesh.
Trong các đoạn video trên mạng xã hội, cũng có nhiều hình ảnh người sống sót bước qua "cánh đồng xác" để tìm kiếm người thân.
Đây là vụ tấn công dân thường đẫm máu nhất tại bang Rakhine trong nhiều tuần qua, giữa bối cảnh chính quyền quân sự Myanmar đụng độ gay gắt với các phiến quân nổi dậy.
Ba nhân chứng khẳng định với Reuters rằng Đội quân Arakan - nhóm vũ trang mạnh mẽ nhất khu vực Rakhine - đứng đằng sau vụ tấn công. Tổ chức này đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, đồng thời cho rằng quân đội Myanmar mới là bên phải chịu trách nhiệm.
Theo truyền thông Bangladesh, cũng trong ngày 5-8, một số con tàu chở những người Rohingya tìm cách vượt sông qua Bangladesh đã bị chìm, khiến hàng chục người thiệt mạng.
Trước những vụ việc này, một người phát ngôn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cho biết cơ quan này "biết về những người tị nạn thiệt mạng do lật thuyền ở vịnh Bengal", đồng thời đã nghe báo cáo về nhiều thường dân qua đời ở Maungdaw. Tuy nhiên cơ quan này chưa thể xác nhận con số tử vong cụ thể.
Mâu thuẫn sắc tộc tại bang Rakhine (Myanmar) giữa nhóm người Arakan theo Phật giáo và nhóm Rohingya thiểu số theo Hồi giáo đã kéo dài nhiều thập kỷ, và được xem là một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất châu Á.
Nhóm Arakan cho mình là người bản địa ở khu vực này và coi người Rohingya là người di cư bất hợp pháp từ Bangladesh trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, nhiều người Rohingya lại khẳng định gia đình mình sống tại Rakhine nhiều thế hệ.
Người Rohingya không được cả người Arakan ở Rakhine và Chính phủ Myanmar công nhận, bị từ chối quyền công dân và bị hạn chế nhiều quyền tự do đi lại, giáo dục...
Tình trạng bạo lực trở nên tồi tệ hơn vào năm 2012, khi xảy ra các vụ xung đột nghiêm trọng giữa hai cộng đồng này, dẫn đến hàng ngàn người Rohingya phải tìm cách ra nước ngoài tị nạn.
Đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng là vào năm 2017, khi quân đội Myanmar bị cáo buộc thực hiện các cuộc đàn áp quy mô lớn, bị Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là một cuộc "thanh lọc sắc tộc" đối với người Rohingya.
NGỌC ĐỨC
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online